Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Dai dẳng nỗi đau ma túy ở Lượng Minh

Minh Thu - 11:28, 20/07/2020

Từng là “cửa ngõ” ma túy ở miền Tây xứ Nghệ, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, hiện nay xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) không còn những “ông trùm” ma túy khét tiếng và những vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ma túy. Tuy đã được ngăn chặn một bước, nhưng những “vòi bạch tuộc” của ma túy như vẫn lẩn khuất đâu đó trên các bản làng.

Một góc bản Đửa, xã Lượng Minh
Một góc bản Đửa, xã Lượng Minh

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Lượng Minh là nơi sản sinh ra các “ông trùm” ma túy khét tiếng như Lô Văn Tuấn, Trần Đăng Khoa… Sau khi các đối tượng này bị bắt giữ, bị kết án, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tiếp tục kết hợp với các cơ quan chức năng triển khai hàng trăm kế hoạch đẩy lùi tội phạm ma túy, truy quét các tụ điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn. Xã cũng đã, xây dựng được 3 mô hình bản không có tệ nạn ma túy (bản Minh Tiến, Cà Moong, Xốp Cháo) và mô hình quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện... để từng bước đưa Lượng Minh êm đềm trở lại.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, chiếc “vòi bạch tuộc” của ma túy vẫn vươn dài, khi còn có những gia đình hám lợi, sẵn sàng lao vào buôn bán “cái chết trắng” và những con nghiện vật vờ vẫn hàng ngày hiện diện trên các bản làng.

Chúng tôi đến bản Đửa, xã Lượng Minh vào một ngày cuối tháng 6. Trời gần trưa, cái nóng hầm hập của gió Lào phả xuống, quyện vào những vòm cây, mái nhà, một cảm giác oi nóng cực kỳ khó chịu. Nhưng chưa đáng ngại bằng cảm giác, luôn có những đôi mắt lấm lét, dò xét từ trên các bậu cửa sổ phóng ra từ những ngôi nhà sàn khi chúng tôi đi vào Nhà Văn hóa xã. 

Chia sẻ với phóng viên, Trưởng bản Vi Văn Dân cho biết: Bản Đửa có 86 hộ, trong đó có 58 hộ nghèo nhưng đáng buồn là có tới 28 người nghiện (có hồ sơ quản lý). Chính những đối tượng này đang là nguyên nhân gây bất ổn về an ninh trật tự cơ sở. Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục vụ trộm cắp vặt, đánh lộn… có liên quan đến những đối tượng nghiện. Công an xã Lượng Minh, Công an huyện Tương Dương đã vào cuộc và bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp vặt có liên quan đến ma túy, nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, so với những năm trước đây, số tụ điểm ma túy trên địa bàn đã giảm nhiều, nhưng những hệ lụy nó mang lại vẫn còn dai dẳng, bởi “cái chết trắng” đã ngự trị ở đây trên 30 năm nay. Số tụ điểm ma túy giảm, nhưng số người nghiện lại tăng từ 172 người (năm 2017) lên 269 người (tháng 6/2020). 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất vẫn là người dân không có việc làm. Vả lại, đa phần những người nghiện đều thiếu sức khỏe, không nhận được sự tin cậy từ phía những người sử dụng lao động. Vì thế, cái vòng luẩn quẩn cứ tái diễn: Nghiện, trộm cắp vặt, xách hàng thuê, buôn bán lẻ ma túy để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Hậu quả gần như năm nào Lượng Minh cũng có người chết vì ma túy. 

Trong nỗ lực giảm số người nghiện, xóa bỏ các tụ điểm ma túy nhỏ lẻ, UBND xã Lượng Minh chỉ đạo lực lượng Công an xã, phối hợp với Công an huyện Tương Dương chủ động đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tấn công truy quét các tụ điểm ma túy nhỏ lẻ. Một mặt, chính quyền địa phương tăng cường vận động người nghiện đi cai nghiện tại các cơ sở tập trung (bình quân mỗi năm vận động 7 - 10 người đi cai). 

“Cần có các hướng dẫn cụ thể về điều trị sau cai khi người nghiện trở về. Đặc biệt, tập trung giúp đỡ họ có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống. Cộng đồng cũng cần chung tay, xóa bỏ kỳ thị đối với người nghiện, coi họ như những người bệnh. Có như vậy, mới kéo giảm được số người nghiện, ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Trần Mạnh Cường đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.