Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đại hội của niềm tin và kỳ vọng

Sỹ Hào - 09:30, 07/02/2021

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp với những điểm nhấn đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Đại hội mang niềm tin và kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Diễn văn bế mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Diễn văn bế mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Đất nước phát triển thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh là khát vọng của Nhân dân ta, là ý chí của Đảng và Nhà nước ta. Khát vọng ấy đã trở thành động lực, thành đích đến để toàn dân tộc cùng cố gắng thực hiện.

Và sau 35 năm đổi mới (1986 - 2021), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng. Sau 35 năm, không chỉ chính trị, xã hội ổn định, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt mà chúng ta đã trở thành một nước đang phát triển, nằm trong nhóm 4 nước đứng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước đã đạt được những thành tựu đặc biệt. Nhất là trên lĩnh vực kinh tế, trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trong năm 2021, tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn rất nặng nề nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) lạc quan nhận định, mức tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ đạt 6,8%. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - trong “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” của mình, dù có thận trọng hơn WB nhưng cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam đạt khoảng 6,5%; tiếp tục nằm trong nhóm có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới…

Những thành tựu trong nhiệm kỳ Đại hội XII nói riêng, trong 35 năm đổi mới nói chung đã nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta, của Đảng ta trên trường quốc tế. Đây là nền tảng, là động lực để Đảng ta vạch ra đường lối phát triển mới cho dân tộc ta, đất nước ta trong thời kỳ mới.

Đường lối phát triển này đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua ngày 1/2/2021. Nghị quyết đề ra đường lối phát triển đất nước với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ 21 chứ không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.

Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XIII xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; trở thành nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Và đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu lớn, tầm nhìn mới này là một trong những điểm nhấn đặc biệt của Nghị quyết Đại hội XIII, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội, sáng 29/1/2021.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội, sáng 29/1/2021.

Vì hạnh phúc của Nhân dân

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta diễn ra trong bối cảnh đất nước có những cơ hội mới, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Nhất là tác động của đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ, không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống hạnh phúc, bình yên.

Từ thực tiễn đó, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của Nhân dân. Đại hội nào Đảng ta cũng đặt Nhân dân là chủ thể và đặc biệt coi trọng vai trò của Nhân dân. Nhưng đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, vai trò của Nhân dân càng lớn. Tiếp tục phát triển tư duy về Nhân dân mà trước đây nói là cơ chế dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; nhưng lần này, Nghị quyết Đại hội XIII định hướng thêm vai trò “dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Chủ trương này làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. 6 chữ này là khát vọng cháy bỏng cả dân tộc luôn hướng đến và cũng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Vì vậy, vì hạnh phúc của Nhân dân là một điểm nhấn đáng chú ý trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ trong phiên bế mạc Đại hội XIII sáng 1/2/2021. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng: “Có làm được hay không, mai kia có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc của Nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân ta, được gửi gắm vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, là những người ưu tú nhất sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21./.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng có số lượng đại biểu dự Đại hội đông nhất từ trước tới nay, với 1.587 đại biểu, đại diện cho trên 5,1 triệu đảng viên. Công tác tổ chức Đại hội rất tốt, chu đáo, tạo điều kiện tối đa cho các đại biểu từ nhiều nơi xa xôi về, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Công tác nhân sự được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khoa học nên khi bầu Ban Chấp hành chỉ bầu một lần; Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành dự kiến họp một ngày nhưng chỉ họp một buổi đã hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.