Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024: Kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển mạnh mẽ

Lê Hường (thực hiện) - 3 giờ trước

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 24 - 25/10 tại TP.Buôn Ma Thuột. Trước thềm sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk về công tác chuẩn bị và kỳ vọng mà Đại hội đặt ra.

Ông Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Ông Nguyễn Kính, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk

PV: Xin ông chia sẻ những kết quả nổi bật ghi nhận từ Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, những kinh nghiệm được rút ra trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024?

Ông Nguyễn Kính: Thực hiện Công văn của Ủy ban Dân tộc, các Chỉ thị, quyết định, kế hoạch của tỉnh về việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024; Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS của tỉnh lần thứ IV năm 2024; đồng thời giao Ban Dân tộc tỉnh là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS của tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh Đắk Lắk có 15/15 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ IV, năm 2024. Các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập 15 Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện. Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh, tổ chức họp phiên thứ Nhất chọn huyện Buôn Đôn và Krông Năng tổ chức đại hội điểm. Đồng thời, hành lập 3 Tổ kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Đại hội cấp huyện được tổ chức từ ngày 16/6, đến ngày 28/8 đảm bảo đúng tiến hộ, thời gian theo kế hoạch.

Theo đó, Đại hội cấp huyện có 2.248 đại biểu, trong đó 130 đại biểu đương nhiên; 420 đại biểu được chọn cử từ các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; 1.698 đại biểu chọn cử từ các phường, xã, thị trấn. Các đại biểu dự Đại hội đều được UBND cấp xã, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện tổ chức hiệp thương chọn cử đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn, cơ cấu đề ra. 100% đại biểu được Tiểu ban Tổ chức nhân sự cấp huyện, phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố rà soát đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống, qua rà soát có 01 đại biểu đưa ra khỏi danh sách.

Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện cũng đã cử chọn 187 đại biểu chính thức dự đại hội cấp tỉnh, với 24 thành phần dân tộc. Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 15 tập thể, 30 cá nhân; Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen cho 15 tập thể, 44 cá nhân; Chủ tịch UBND cấp huyện tặng Giấy khen cho 190 tập thể, 334 cá nhân.

Các văn bản, tài liệu phục vụ Đại hội đều được Ban Chỉ đạo Đại hội cấp huyện thực hiện bảo đảm theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, đều lấy ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội cùng cấp, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẩm định, Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh xem xét, có ý kiến.

Đắk Lắk có 15/15 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện
Đắk Lắk có 15/15 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện

Từ đại hội cấp huyện, Ban Chỉ đạo Đại hội tỉnh rút ra kinh nghiệm chuẩn bị cho Đại hội cấp tỉnh, là tuân thủ chặt chẽ nội quy, quy định, chương trình, kế hoạch, các hoạt động bám sát với hướng dẫn của Trung ương, văn bản của tỉnh. Số lượng, cơ cấu thành phần dân tộc đại biểu được lựa chọn đảm bảo đúng tiêu chí.

Bên cạnh đó, Đại hội cấp tỉnh luôn tuân thủ các quy định, trong đó công tác tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau Đại hội luôn được quan tâm; đón tiếp đại biểu chu đáo; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức đại hội, đảm bảo chất lượng nội dung, văn kiện và thống nhất chương trình tổ chức.

PV: Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Kính: Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, tỉnh được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, Trung ương 10 năm/lần. Đại hội mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, to lớn đối với đồng bào DTTS, hội tụ niềm tin, lan tỏa điển hình tiên tiến. Đây cũng là dịp tổng kết, đánh giá giai đoạn thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần phát triển vùng đồng bào DTTS.

Đại hội cũng khởi đầu cho một giai đoạn mới với khát vọng vươn lên, khơi dậy lòng tự hào, tự tin, ý chí tự lực của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào các DTTS đồng lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội, đưa vùng đồng bào DTTS phát triển, rút ngắn khoảng cách vùng, góp phần phát triển đất nước, Nhân dân sống ấm no, hạnh phúc.

PV: Xin ông cho biết, công tác chuẩn bị Đại hội đến thời điểm này, những điểm nhấn của Đại hội lần này là gì?

Ông Nguyễn Kính:  Đến nay, công tác chuẩn bị Đại hội đã cơ bản đảm bảo, các Tiểu ban, Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh thực hiện các bước, nội dung đúng tiến độ, kế hoạch. Theo đó, Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 24-25/10 với 333 đại biểu, trong đó đại biểu chính thức 250 đại biểu.

Điểm nhấn của Đại hội lần này là, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ được truyền tải bằng phóng sự truyền hình, thông tin một cách sinh động, bao quát để các đại biểu tham dự dễ nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ diễn ra Đại hội, Ban Tổ chức dành thời gian tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu tham dự Đại hội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu; đồng thời thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với đồng bào các DTTS.

Một điểm mới nữa, trong khuôn khổ Đại hội năm nay, sẽ trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP, các không gian sản phẩm ẩm thực và truyền thống bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để các đại biểu tham quan.

Hạ tầng giao thông vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc
Hạ tầng giao thông vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc

PV:  Kết quả của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV mang lại kỳ vọng gì đến sự phát triển vùng đồng bào DTTS của tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Kính: Qua 3 kỳ đại đội, kết quả đạt được trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, vùng đồng bào các DTTS được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, diện mạo khởi sắc, đời sống đồng bào các DTTS nâng lên.

 Đặc biệt là, sau kỳ Đại hội lần thứ III, tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, 2021-2025, không chỉ kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, quốc phòng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và phát huy.

Kết quả này là do, ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần phát huy nội lực và thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho vùng đồng bào DTTS.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong thực hiện Quyết tâm thư đại hội lần thứ III, năm 2019, nhất là từ việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố..., cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024, với những mục tiêu phấn đấu và giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, qua đó tiếp tục thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển mạnh mẽ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!