Nghi thức truyền thống Phật giáo tụng kinh cầu hòa bình thế giới mở đầu ngày làm việc thứ hai của Đại lễ Vesak 2025. (Ảnh: Đăng Huy)Ngày 7/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 bước vào trọng tâm với chương trình Hội thảo quốc tế kéo dài cả ngày. Diễn đàn chính được tổ chức toàn thể tại Hội trường lớn, xoay quanh chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.
Sau phiên toàn thể, Hội thảo quốc tế Vesak 2025 tiếp tục với 5 diễn đàn thảo luận song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh, xoay quanh nhiều chủ đề phụ, bao gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu. Tại đây, tăng ni, phật tử có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia, học giả trong và ngoài giới Phật giáo.
Cội nguồn của hòa bình là từ bi và bao dung
Tại Diễn đàn chủ đề "Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”, Hòa thượng Thích Hải Ấn - Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nhấn mạnh: Hòa bình, theo tinh thần Phật giáo, không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà còn là trạng thái yên bình trong tâm hồn và sự hòa hợp trong xã hội. Đó là nền tảng cần thiết, để xây dựng một thế giới an lạc và phát triển bền vững.
"Hãy lặng yên một chút để nhìn lại thế giới hôm nay... Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt... vẫn diễn ra liên tục và đang gây ra thảm họa lớn cho con người. Có lẽ, chính chúng ta phải tự nhìn nhận lại tâm tư và nghiệp quả của mình, để tìm ra cách thức giải quyết, bắt đầu từ những việc nhỏ bé, nhưng thiết thực trong cuộc sống”, Hòa thượng Thích Hải Ấn chia sẻ.
Các diễn đàn thảo luận chuyên đề giúp tăng ni, phật tử có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia, học giả trong và ngoài giới Phật giáoTheo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phật giáo không xem hòa bình là kết quả từ bên ngoài, mà khởi nguồn từ chính hành động của mỗi cá nhân. Nếu xã hội được vận hành bởi từ bi và trí tuệ, con người sẽ biết sống hòa thuận, giảm bớt khổ đau và tiến gần đến giác ngộ.
Hòa thượng Thích Hải Ấn mong rằng, mỗi người nên sống với lòng từ bi, làm những việc thiện, để góp phần tạo dựng một xã hội an lành cho tất cả mọi người.
Tham luận của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, với bài trình bày “Vesak 2025: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm - Tuệ giác Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững”, cũng đã nêu bật vai trò của tuệ giác Phật giáo trong việc hóa giải khổ đau, khơi nguồn hòa hợp và xây dựng nền tảng bền vững cho nhân loại.
“Các giá trị như đoàn kết, bao dung và tôn trọng nhân phẩm không chỉ là lý tưởng đạo đức mà còn là phương tiện thực tiễn để thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, khắc phục chia rẽ tôn giáo và định hình chính sách toàn cầu dựa trên trí tuệ và từ bi”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định.
Phật giáo đóng vai trò hướng con người đến điều thiện
Trong Diễn đàn thảo luận với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, Hòa thượng Tiến sĩ Gallelle Sumanasiri, Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka, trình bày tham luận với chủ đề “Đức tin và lòng từ bi, bình an bên trong và hòa bình bên ngoài”.
Diễn đàn thảo luận chủ đề "Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải"Theo diễn giả Gallelle Sumanasiri, con người là một sinh vật lý trí, để đối mặt với những thách thức của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra nhiều dạng thức cộng đồng và tôn giáo là một trong số đó. Đối mặt và vượt qua nỗi khổ niềm đau để đạt được hạnh phúc là một trong những thách thức luôn hiện diện trong đời sống con người. Để giải quyết vấn đề đó, Phật giáo như một hệ thống tư tưởng luôn đặt con người là chủ thể và ý thức được sức mạnh của ý chí và nỗ lực của con người có thể giúp họ vượt qua đau khổ, đạt được hạnh phúc, hòa bình lâu dài mà không cần sự hỗ trợ của các thế lực siêu hình.
Tại Diễn đàn chủ đề "Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”, PGs.Ts. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Hà Nội, nhận định: Đối với Việt Nam, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội từ khi du nhập đến nay.
"Các giá trị trong Phật giáo như sự giản dị, trách nhiệm và lòng vị tha đã trở thành kim chỉ nam để giải quyết các vấn đề đạo đức, khủng hoảng giá trị cuộc sống và lối sống tiêu cực trong xã hội hiện đại. Phật giáo còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ các nhóm yếu thế và đóng góp vào việc giảm bất bình đẳng xã hội. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều tổ chức Phật giáo đã phát động các phong trào như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên”, PGs.Ts. Nguyễn Thị Minh Ngọc nói.
Theo PGs.Ts. Nguyễn Thị Minh Ngọc, các lễ hội và nghi lễ Phật giáo cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, duy trì và phát huy các hệ thống truyền thông văn hóa có giá trị. Để từ đó, chúng ta có thể ứng dụng các giá trị tư tưởng Phật giáo trong sự xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh xã hội và kinh tế, về môi trường, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong công việc giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên và duy trì sự cân bằng sinh thái thông qua các hoạt động giảng dạy và thực hành đạo đức.
“Ngoài ra, với sự hỗ trợ những giá trị nhân văn và hành động thiết thực, Phật giáo đã tạo nên những giá trị lâu dài, góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững, nhân văn và hòa bình”, PGs.Ts. Nguyễn Thị Minh Ngọc khẳng định.