Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đại sứ Ai Len tại Việt Nam John McCullagh: “Điều quan trọng nhất là hiệu quả triển khai Chương trình MTQG trong thực tế”

Mạnh Cường (thực hiện) - 09:43, 22/06/2020

Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đóng góp vào thành công chung đó, luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Trong số đó, Chính phủ Ai Len đã luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đi đến thành công. Nhân sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG), phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn ông John McCullagh, Đại sứ Ai Len tại Việt Nam.

Ông John McCullagh.
Ông John McCullagh.

Xin ông đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ai Len trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam thời gian qua?

Đối với Ai Len, việc hỗ trợ cho người DTTS tại Việt Nam là một giá trị cốt lõi, một ưu tiên quan trọng nhất trong Chương trình hợp tác phát triển của Ai Len tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trở thành một đất nước thịnh vượng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó người DTTS đang có những khó khăn cần được hỗ trợ.

Một nguyên tắc của Chính phủ Ai Len, Cơ quan Hợp tác phát triển Ai Len tại Việt Nam, chúng tôi ưu tiên nhất những người ở phía sau hành trình phát triển. Thực tế cho thấy, có nhiều người DTTS đang ở trong tình trạng bị tụt lại phía sau của công cuộc phát triển và họ cần phải được ưu tiên hỗ trợ đầu tiên.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ai Len là mối quan hệ giữa hai Chính phủ. Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ ngày càng bền chặt. Trong quá trình hợp tác triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, khi gặp khó khăn, chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam luôn biết lắng nghe, xử lý các khó khăn và đưa ra các giải pháp phù hợp cho những khó khăn, thách thức nảy sinh. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực đó của Chính phủ Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện các chính sách, chúng tôi quyết định giảm quy mô nhỏ lại ở các tỉnh khó khăn hơn. Đây chính là quyết định quan trọng để chúng tôi hiểu sâu hơn và đi sâu hơn để triển khai, đánh giá rõ hơn những khó khăn, thuận lợi tại các địa bàn triển khai chính sách. Một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình triển khai chương trình là những chuyến đi giám sát, đánh giá chung giữa hai bên. Đây là cơ hội tốt để hai bên cùng đi, cùng nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đạt được và những khó khăn nảy sinh tại địa phương để hiểu hơn về Chương trình.

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ông có nhận định gì về Chương trình này?

Chương trình MTQG với một cam kết về tài chính rất lớn, với thời hạn 10 năm, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính chất bao phủ khá toàn diện. Tôi nhận thấy trong Chương trình này, việc đưa ra quyết định, việc phân cấp, trao quyền cho người dân rất mạnh mẽ để người dân tự có tiếng nói quyết định trong việc được tự mình làm gì.

Chúng tôi ghi nhận, trong thời gian vừa qua, phía Ủy ban Dân tộc luôn luôn lắng nghe, hợp tác có tính chất xây dựng đối với chúng tôi. Đặc biệt là sự lãnh đạo và cam kết của cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trong suốt thời gian qua. Tôi cũng rất kỳ vọng rằng, với những hỗ trợ cam kết của Chính phủ Việt Nam cho người DTTS thì sau 10 năm nữa, khi nhắc đến người DTTS, chúng ta sẽ không nghĩ đến đây là những người nghèo, chúng ta sẽ nghĩ đến sự đa dạng, sự đặc sắc về văn hóa của người DTTS.

Vùng DTTS đang thay đổi từng ngày nhờ các chương trình, chính sách dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Vùng DTTS đang thay đổi từng ngày nhờ các chương trình, chính sách dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Theo ông, để triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cần những giải pháp quan trọng gì?

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng, các điều kiện cần đang dần có. Thứ nhất là sự cam kết về chính trị, thứ hai là cam kết về sự tham gia của người dân và các bên liên quan đang được đẩy mạnh. Cùng đó, chúng ta đã cam kết về một ngân sách đảm bảo trong vòng 10 năm. Điều quan trọng nhất là hiệu quả triển khai Chương trình MTQG trong thực tế. Điều này rất khó bởi cần sự phối hợp, vào cuộc với nỗ lực rất lớn của nhiều bên liên quan. Và việc trao quyền cho người dân phải bảo đảm để người dân thực sự có quyền trong việc làm gì, thay vì họ làm theo những quyết định của người khác.

Có thể khẳng định, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong Chương trình. Sự hỗ trợ trong thời gian tới không mang diện rộng như trước mà cần cụ thể từng khu vực, có tác động sâu. Chúng ta đã thực hiện rất thành công Chương trình 135, từ đây, chúng ta đã có nhiều bài học quý báu để áp dụng thực hiện cho Chương trình MTQG trong thời gian tới một cách tốt hơn. Và trong quá trình thực hiện, ta sẽ tiếp tục vừa làm vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để có được những thành công hơn nữa.   

Tin cùng chuyên mục
Khi Người có uy tín được “trẻ hóa”...

Khi Người có uy tín được “trẻ hóa”...

Trong một thời gian dài, dường như có một sự mặc định ngầm, Người có uy tín phải là những người cao niên, với độ tuổi từ 60 trở lên. Nhưng những năm gần đầy, lực lượng quần chúng đặc biệt này đang dần được trẻ hóa. Cùng với những “cây cao bóng cả” trong đồng bào DTTS, đội ngũ Người có uy tín trẻ đã và đang phát huy được vai trò của mình trong các phong trào ở cơ sở.