Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Đak Đoa (Gia Lai): Người có uy tín chung tay xây dựng nếp sống văn minh

Ngọc Thu - 06:19, 13/12/2022

Như cây Kơ nia sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã phát huy tốt vai trò, uy tín của mình trong tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh (nay là nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT) trò chuyện, thăm hỏi Người có uy tín huyện Đak Đoa
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh (nay là nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT) trò chuyện, thăm hỏi Người có uy tín huyện Đak Đoa

Những “cây Kơ nia” giữa thôn làng

Xã A Dơk hiện có 5 thôn làng, với gần 1.400 hộ, tỷ lệ DTTS chiếm hơn 92%. Nơi đây đã từng là “điểm nóng” về an ninh trật tự. Thế nhưng, những năm gần đây, xã đã từng bước chuyển mình, cuộc sống của đồng bào đã trở nên bình yên, no ấm hơn. Để có được kết quả trên, những Người có uy tín trong buôn làng đóng vai trò quan trọng. 

Điển hình là già H’Man - Người có uy tín, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Adơk Kông, bằng sự uy tín và hiểu biết của mình, già H’Man đã vận động dân làng chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng trong giữ gìn nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống tinh thần trong thôn làng.

Già H’Man kể: Những năm 2001 - 2004, một số người dân ở làng khác nhẹ dạ nghe theo lời kẻ xấu khiến tình hình an ninh trật tự bất ổn. Thấy vậy, tôi cùng chính quyền địa phương ngày đêm tuyên truyền vận động dân làng Adơk Kông tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, không nghe lời kẻ xấu xúi dục. Nhờ vậy, dân làng yên tâm làm ăn. 

Hiện nay, bà con trong làng ai cũng treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất trong nhà để gửi gắm tấm lòng hiếu kính với Người. Hơn nữa, treo ảnh Bác còn nhằm giúp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đánh giặc cứu nước của cha ông để đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Là điểm tựa của đồng bào Ba Na làng Tươh Ktu, xã Glar, già Yơk - Người có uy tín không những đi đầu trong làm kinh tế, mà còn hướng dẫn dân làng cùng làm theo và thực hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Già cũng là người huy động người dân đóng góp kinh phí và công lao động để xây dựng nông thôn mới. 

Cùng với các Ban Nhân dân thôn, Mặt trận, đoàn thể thôn, già Yơk đi đến từng nhà để vận động người dân góp tiền, góp của cùng Nhà nước làm hơn 1 km đường giao thông nông thôn, làm đường điện thắp sáng, tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng như bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Già Yơk tích cực vận động bà con trong làng tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa
Già Yơk tích cực vận động bà con trong làng tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa

Già Yơk chia sẻ: Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình nên già tuyên truyền cho bà con luôn giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Đối với dân làng khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, mình phải kiên nhẫn lắng nghe, dành nhiều thời gian để giảng giải, phân tích và chỉ khi nào người trong cuộc nhận ra đúng - sai, bắt tay làm hòa, cam kết không tái phạm. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền để người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Để thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh, việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó, già Hyop - Người có uy tín làng De Hóch, xã Đak Krong thường xuyên đến tận nhà, gõ từng cửa để tuyên truyền, vận động; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật,đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

“Trước đây trong làng có 1 cặp chưa đủ tuổi kết hôn mà vẫn muốn làm đám cưới. Mình cùng cán bộ ở thôn làng đến tận nhà vận động cha mẹ, họ hàng không được tổ chức, không được đi dự đám cưới chúng nó. Thậm chí bắt viết cam kết không vi phạm, nếu không sẽ bị phạt theo quy định của làng. Đồng thời, trong thời gian chờ đủ tuổi kết hôn, đoàn thanh niên xã, cũng phối hợp tìm dạy nghề rồi xin việc làm cho tụi nhỏ để chúng nó ổn định kinh tế hơn, suy nghĩ chín chắn hơn. Hiện nay, trong làng De Hoch không còn nạn tảo hôn”, già Hyop chia sẻ.

Phát huy vai trò Người có uy tín

Huyện Đak Đoa có 17 xã, thị trấn với 30.709 hộ, đồng bào DTTS chiếm hơn 55% dân số. Tại Đak Đoa tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm gần 12,8%. Hiện nay, toàn huyện có 74 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó có 49 người dân tộc Ba Na và 25 người dân tộc Gia Rai. 

 Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín của huyện Đak Đoa đã tích cực tuyên truyền người dân xoá bỏ hủ tục, tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Bên cạnh đó, Người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ tập tục lạc hậu… Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng khởi sắc, tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được Nhà nước đầu tư từng bước hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên tặng quà cho Người có uy tín huyện Đak Đoa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên tặng quà cho Người có uy tín huyện Đak Đoa

Tại buổi làm việc kiểm tra kết quả thực hiện chính sách Người có uy tín tại xã Adơk, huyện Đak Đoa, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện cho Người có uy tín trong các hoạt động; kịp thời thông tin các chủ trương chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh, của huyện để Người có uy tín nắm bắt và tuyên truyền bà con chấp hành. 

Trong công tác tuyên truyền, tỉnh chú trọng phát hành bản tin bằng các thứ tiếng địa phương như Ba Na, Gia Rai. Đồng thời, tuyên truyền bà con gìn giữ văn hóa, bản sắc, quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức là con em người địa phương… Hằng năm, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban Dân tộc rà soát lại, bình bầu, đánh giá, bổ sung Người có uy tín theo đúng quy định. Từ đó, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ Người có uy tín, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. 


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Phúc: Công nhận 121 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Vĩnh Phúc: Công nhận 121 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Thực hiện Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đến nay 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định phê duyệt, công nhận Người có uy tín năm 2024.