Giảm tỷ lệ hộ nghèo
Bên cạnh việc được hưởng các cơ chế, chính sách của Trung ương, bà con các dân tộc nơi đây đã được tỉnh, huyện hỗ trợ nhiều dự án, chính sách như: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo để thực hiện hỗ trợ 12 mô hình chăn nuôi tại 07 xã của huyện; hỗ trợ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cuối tháng 12/2020, huyện Đắk Glong đã bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ các hộ thoát nghèo đủ điều kiện theo Nghị quyết số 12 năm 2019 của HĐND tỉnh về việc bổ sung một số chính sách thuộc chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020.
Thực tế cho thấy, việc hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Gia đình chị H’Hạnh, ở bon Ka La Dạ, xã Quảng Khê, có 3 khẩu. Năm 2014, gia đình chị được xác định là hộ nghèo và được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Nhờ đó, gia đình đã có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Sau khi kinh tế khá hơn, năm 2019, chị đã viết đơn xin thoát nghèo và trả hết số tiền vay ngân hàng.
Năm 2020, chị H’Hạnh tiếp tục vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội dành cho đối tượng hộ cận nghèo. Với lãi suất thấp, chị có điều kiện để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Tương tự, gia đình ông K’Liêu ở xã Quảng Khê cũng là một trong những hộ phát huy hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Ông cho biết: Gia đình ông được cấp 3 con bò, trong đó có 1 con của chương trình giảm nghèo bền vững. Từ 3 con bò được cấp, đến nay gia đình ông đã có đàn bò 9 con. Nhận thấy đây là hướng có thể phát triển kinh tế bền vững, nên hiện nay gia đình ông chú trọng nhân rộng đàn bò.
Gia đình chị H’Hạnh và ông K’Liêu chỉ là hai trong số hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện Đắk Glong được hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục...
Ông Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện tăng 14,21%/năm; Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 5,8%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ đạt 8.770,5 tỷ đồng, đạt 162,21%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6%/năm, đạt so với nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, 100% thôn, bon có 1 - 2 km đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 66% đường xã quản lý được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 110%; Giải quyết việc làm cho 10 nghìn lao động, đạt 128,04%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,21%, trong đó, vùng dân tộc thiểu số là 5,6%.
Hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững
Mặc dù đã đạt được những kết quả trên, tuy nhiên với xuất phát điểm thấp cùng với trình độ dân trí còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao; cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ. Để khắc phục được thực trạng trên, Đảng bộ huyện Đắk Glong nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra những giải pháp để nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Vũ Tá Long: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đắk Glong thoát nghèo.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm: Nhà nước và Nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực. Phấn đấu tăng thu ngân sách hàng năm bình quân trên 7%; tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Để làm được điều đó, các cấp ủy, chính quyền sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Công tác giảm nghèo phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; đưa các hoạt động giảm nghèo đến với mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp dân cư nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.