Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn Bàn - Điểm sáng giảm nghèo

Trọng Bảo - 15:21, 11/06/2021

Là huyện vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó Khăn của tỉnh Lào Cai, thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn lực, Văn Bàn trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh.

Trồng ớt cho gia đình anh Dương Xuân Trong, thôn Na Lộc, xã Khánh Yên Thượng thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng ngô, lúa
Gia đình anh Dương Xuân Trong, thôn Na Lộc, xã Khánh Yên Thượng thu nhập từ trồng ớt cao gấp 4-5 lần so với trồng ngô, lúa

Tập trung vào cây trồng có thế mạnh 

Trước đây, với 4 sào đất trồng ngô, trung bình mỗi năm gia đình anh Dương Xuân Trong, dân tộc Tày, ở thôn Na Lộc, xã Khánh Yên Thượng chỉ thu được 2 triệu đồng/2 vụ; trừ chi phí anh cũng chỉ còn 1 triệu đồng. Năm 2021, anh Trong mạnh dạn chuyển 4 sào đất, sang trồng giống ớt quả Mường Khương. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, cây ớt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, nên lớn nhanh, quả sai, to. 

“Thời gian này, do dịch bệnh Covid -19 nên giá ớt quả cũng giảm nhiều, như những năm trước, giá ớt cao điểm đạt 100 nghìn/kg. Trồng ớt chỉ phải đầu tư một lần sẽ cho thu quanh năm, trong thời gian 3 năm liên tục mới phải trồng lại. Sắp tới, gia đình dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích để nâng cao thu nhập”, anh Trong cho hay.

Thời gian gần đây, thương hiệu tương ớt Nà Lộc của xã Khánh Yên Thượng dần được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới. Thậm chí có khách hàng còn đánh giá chất lượng tương ớt Nà Lộc, còn có phần ngon hơn tương ớt Mường Khương (huyện Mường Khương) - một sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu lâu nay. Hiện tương ớt Nà Lộc đã trở thành sản phẩm OCOP ba sao của huyện Văn Bàn. 

Mô hình trồng, chế biến sản phẩm tương ớt Nà Lộc, chỉ là một trong nhiều giải pháp   nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân ở xã Khánh Yên Thường. 

Theo bà Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã, xã Khánh Yên Thượng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, tập trung vào phát triển một số cây trồng thế mạnh như, dưa bao tử, ớt, cây măng bói, cây gai xanh… 

Qua thời gian đưa vào canh tác cho thấy, những cây trồng này rất phù hợp với đồng đất, cho thu nhập cao hơn hẳn so với các cây trồng truyền thống. Cụ thể, 1 héc ta ớt có thể thu từ 100-120 triệu đồng, 1 héc ta cây gai xanh thu từ 120-140 triệu đồng…; Nhờ đó năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 27 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2020 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020  giảm còn 4,12% 

Với các chính sách giảm nghèo đồng bộ và hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Bàn
Với các chính sách giảm nghèo đồng bộ và hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Bàn

Ưu tiên nguồn lực phát triển sinh kế

Theo báo cáo, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Văn Bàn giảm mạnh, từ 35,17% đầu nhiệm kỳ, xuống còn 9,5% năm 2020, bình quân giảm 5,14%/năm, đạt 102,8% (mục tiêu đặt ra trong giai đoạn giảm 5% hộ nghèo/năm). 

Theo ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, công tác giảm nghèo được huyện xác định, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; mục tiêu giảm nghèo được cụ thể hóa bằng những Nghị quyết, quyết định để triển khai các đề án. Cùng với các chương trình của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành Đề án về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Huyện đã lồng ghép các nguồn lực giảm nghèo, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển các dự án sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135; 

"Thực hiện Đề án này, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình; giải pháp cụ thể. Ví dụ như mô hình cây ớt ở xã Khánh Yên Thượng; mô hình trồng dâu nuôi tằm ở xã Liêm Phú; hay việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa: trồng khoai tây, vùng trồng gai xanh, vùng trồng ớt, rau vụ đông ở xã Hòa Mạc..., đang phát huy mang hiệu quả kinh tế cao, bền vững …”, Chủ tịch huyện Phí Công Hoan nhấn mạnh.

Để người dân có thêm điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện cũng đã đặc biệt chú trọng, dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, điện lưới quốc gia. Theo đó, kết thúc 2020, 100% thôn bản trong huyện có đường giao thông và điện lưới quốc gia..., tạo thuận lợi cho sản xuất, đi lại giao thương hàng hoá nông sản. Các chính sách đối với hộ nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời theo quy định. Đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ Thống chính trị và Nhân dân trong huyện.

Từ kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025, huyện Văn Bàn phấn đấu, mỗi năm giảm từ 4%-5% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giảm thiểu sự trông chờ, ỷ lại, khuyến khích sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Tin cùng chuyên mục