Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đăk Hà (Kon Tum): Dự án 8 giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Ngọc Chí - 4 giờ trước

Với nhiều cách làm hay và mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) của Hội LHPN huyện Đăk Hà (Kon Tum), đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức và giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong vùng đồng bào DTTS.

Chị Phạm Thị Viên (ngoài cùng bên phải) – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền cùng với các Tổ truyền thông cộng đồng ở các thôn, làng
Chị Phạm Thị Viên (ngoài cùng bên phải) – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền cùng với các Tổ truyền thông cộng đồng ở các thôn, làng

Triển khai đồng bộ các nội dung Dự án 8

Để Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 triển khai hiệu quả, Hội LHPN huyện Đăk Hà đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và kế hoạch của UBND huyện. Hằng năm, Hội LHPN huyện chủ động xây dựng kế hoạch, xác định các chỉ tiêu, bám theo tình hình thực tế của các xã, thị trấn thuộc Dự án 8 và các thôn, xã đặc biệt khó khăn để triển khai thực hiện.

Chị Phạm Thị Viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện cũng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, hướng dẫn thực hiện của Hội LHPN tỉnh.

 Đối với cơ sở thì Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn rất quan tâm và hơn nữa là trách nhiệm, sự nhiệt tình của các Chủ tịch Hội LHPN xã. Từ đó, quá trình thực hiện có rất nhiều thuận lợi, được đông đảm hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực.

Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Đăk Hà đã phối hợp thành lập 46 Địa chỉ tin cậy
Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Đăk Hà đã phối hợp thành lập 46 Địa chỉ tin cậy

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện, đến nay, huyện Đăk Hà đã thành lập và ra mắt 40 Tổ truyền thông cộng đồng, với 283 thành viên; 6 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, với 164 thành viên; 46 địa chỉ tin cậy. Tổ chức 53 cuộc truyền thông về xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới; 20 cuộc truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Chị Phan Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà cho biết: Trong quá trình thực hiện Dự án 8, Hội LHPN xã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, UBND xã, hướng dẫn của Hội LHPN huyện và sự đồng thuận trong Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 5 Tổ truyền thông cộng đồng, 7 Địa chỉ tin cậy, 01 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường TH&THCS xã Ngọk Wang. Với sự quan tâm đó, các nội dung của Dự án 8 đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả.

Trường THCS xã Ngọk Réo tổ chức ta mắt Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi
Trường THCS xã Ngọk Réo tổ chức ta mắt Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi

Cô giáo Y Ta, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà cho biết: Trong quá trình thành lập Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, nhà trường phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN xã, lựa chọn những thầy cô, học sinh có năng khiếu. Đến tháng 5/2024 thì trường đã ra mắt Câu lạc bộ với 30 thành viên và đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả.

Để các nội dung của Dự án 8 được triển khai thực hiện hiệu quả, Hội LHPN huyện Đăk Hà đã tổ chức 6 lớp tập huấn vận hành Tổ truyền thông cộng đồng; 7 lớp tập huấn tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện; 4 lớp vận hành Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; 1 lớp tập huấn về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; 1 lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin; 3 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức, phát triển năng lực về bình đẳng giới, lồng ghép giới và tăng quyền cho phụ nữ. Tổ chức 01 Hội thi về “Xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em” cấp huyện năm 2023…

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Với việc triển khai đồng bộ các nội dung của Dự án 8, qua hơn 3 năm thực hiện, các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Các Tổ truyền thông cộng đồng đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức hàng trăm lượt truyền thông cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân; trong đó, tập trung tuyền truyền về hỗ trợ các gói sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; kiến thức bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; kiến thức chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; vận động xoá bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Tua Team, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà tổ chức buổi tuyên truyền về bình đẳng giới
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Tua Team, xã Đăk Long tổ chức buổi tuyên truyền về bình đẳng giới

Chị Y Đại, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng thôn Tua Team, xã Đăk Long, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, hằng tháng tổ triển khai 1 đợt tuyên truyền tập trung tại Nhà rông của thôn, mỗi tháng thì chọn 1 chủ đề riêng để tuyên truyền, trong đó tập trung vào kiến thức bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn…; Sau nhiều đợt tuyên truyền, chị em đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Đặc biệt, nhiều chị mạnh dạn hơn, tự tin chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống gia đình để cùng nhau tư vấn, hỗ trợ xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

"Qua các buổi tuyên truyền tôi tiếp thu được rất nhiều kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới. Tôi và các thành viên trong gia đình đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vợ chồng sống với nhau thì nên nói chuyện nhẹ nhàng, thông cảm và thấu hiểu nhau. Có mâu thuẫn thì mình nên chia sẻ với nhau để mâu thuẫn đó được giải quyết",  chị Y Phai, thôn Tua Team, chia sẻ.

Từ ngày đi vào hoạt động, 6 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi ở các trường học trên địa bàn huyện Đăk Hà đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn bổ ích dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS. Từ chỗ rụt rè, nhút nhát, khi tham gia Câu lạc bộ đã giúp các em tự tin hơn, nhất là trong nêu ý kiến và quan điểm của mình.

Tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi giúp các em học sinh DTTS tự tin hơn trong giao tiếp
Tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi giúp các em học sinh DTTS tự tin hơn trong giao tiếp

Em Y Mai Trang, Học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Ngọk Réo, chia sẻ: Tham gia Câu lạc bộ giúp cho em phát triển được năng lực của bản thân mình trong giao tiếp, mạnh dạn đứng trước đám đông. Giúp cho em biết được về vấn đề bình đẳng giới, hậu quả của tảo hôn, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, em tuyên truyền cho nhiều bạn, cho nhiều người trong gia đình.

Sau hơn 3 năm triển khai Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà.

Bà Phạm Thị Viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà cho biết: Việc thành lập và ra mắt nhiều mô hình cụ thể, thiết thực theo các nội dung của Dự án 8 và việc tăng cường công tác tuyên truyền đã từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện bình đẳng giới. 

Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để các Hội LHPN trên địa bàn huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 8 trong những năm tiếp theo. 

Tin cùng chuyên mục
Thừa Thiên Huế: Lợi ích "kép" từ chợ phiên vùng cao

Thừa Thiên Huế: Lợi ích "kép" từ chợ phiên vùng cao

Để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc, hai huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã duy trì chợ phiên vùng cao vào dịp cuối tuần, cuối tháng. Chợ phiên không chỉ là nơi đồng bào trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn là điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.