Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Các mô hình Dự án 8: Tác động tích cực tới đời sống phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi

Thúy Hồng (thực hiện) - 10:06, 16/10/2024

Triển khai Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Viện nghiên cứu Phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá các hoạt động, mô hình của dự án. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn Ths. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Ths. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam)
Ths. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam)

PV: Xin bà cho biết, qua khảo sát đánh giá, sau 4 năm triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" đã tác động như thế nào đến đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi?

Bà Nguyễn Hoàng Anh: Trong 10 Dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai nhằm thúc đẩy quyền, trao cơ hội để phụ nữ và trẻ em DTTS và miền núi vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Qua gần 4 năm thực hiện, ghi nhận tại 40 tỉnh dự án được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ ngân sách đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động của Dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cộng đồng.

Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện khảo sát ban đầu vào năm 2022 tại 8 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng và khảo sát giữa kỳ năm 2023 tại 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Phước, Sóc Trăng - đều là các tỉnh có đông đồng bào DTTS. Mỗi tỉnh khảo sát tại các thôn thực hiện Dự án 8, mang các đặc điểm tự nhiên, xã hội đặc trưng của tỉnh. Số liệu, thông tin được thu thập bằng nhiều phương pháp nghiên cứu kết hợp định lượng và định tính: Hội thảo cấp tỉnh, phỏng vấn bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia.

Kết quả khảo sát của Học viện Phụ nữ Việt Nam cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng đã có nhận thức khá tốt về các vấn đề: Bình đẳng trong chia sẻ việc nhà; quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong tham gia vào các hoạt động kinh tế, đóng góp và sử dụng thu nhập của gia đình; quyền quyết định các vấn đề trong gia đình; bạo lực gia đình và độ tuổi kết hôn theo quy định. 

Người dân cho thấy phụ nữ và nam giới DTTS có sự hiểu biết nhất định về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, thể hiện ở sự đồng tình cao với nhận định: Nam giới phải có trách nhiệm chia sẻ (Điểm trung bình - ĐTB = 4,37); phụ nữ được cùng quyết định với nam giới trong mọi việc của gia đình (ĐTB 4,17); phụ nữ có quyền, nghĩa vụ tham gia các hoạt động kinh tế và đóng góp vào thu nhập của gia đình (4,13). Tuy nhiên định kiến về vai trò giới: “phụ nữ phải làm chính việc nhà” và “nam giới có nhiều quyền quyết định hơn trong gia đình” vẫn còn tồn tại.

Ths. Nguyễn Hoàng Anh ( áo dài đỏ) trao đổi với các đại biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Bắc ""Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo, vừa tổ chức vào đầu tháng 10 tại Hà Nội
Ths. Nguyễn Hoàng Anh ( áo dài đỏ) trao đổi với các đại biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Bắc "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo, vừa tổ chức vào đầu tháng 10 tại Hà Nội

Đối với trẻ em DTTS, kết quả khảo sát của 8 tỉnh, chỉ ra nhận thức về bình đẳng giới của trẻ em tại các địa bàn khảo sát ở mức khá tốt. Tuy vậy, trẻ ở Quảng Ngãi và Gia Lai có mức ĐTB nhận thức giới khá thấp, và thấp hơn các tỉnh khác, ĐTB lần lượt là 2.72 và 2.24 điểm.

Nhận thức của người dân đối với các mô hình do Hội Lgiên hiệp Phụ nữ các cấp xây dựng như địa chỉ tin cậy, đối thoại chính sách, tổ truyền thông cộng đồng đã được nâng cao. Kết quả khảo sát các nhóm khách thể khác nhau ở các địa bàn khác nhau đều đồng thuận ở mức rất cao về sự cần thiết của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, với tỷ lệ chung 86,4% ở nhóm phụ nữ, nam giới và 99,4% ở nhóm cán bộ, công chức/viên chức và Người có uy tín trong cộng đồng…

PV: Theo bà, đâu là rào cản cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi hiện nay?

Bà Nguyễn Hoàng Anh: Có thể thấy, sau khi triển khai các hoạt động của Dự án 8, các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS có xu hướng giảm nhiều so với thời gian trước đó. Đáng chú ý, việc giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em mà cuộc khảo sát ban đầu năm 2022, đã chỉ ra như hủ tục có hại cho phụ nữ (sinh con tại nhà, ăn kiêng, bắt vợ…), tình trạng phụ nữ tự tử do cùng quẫn, bế tắc, bạo lực; phụ nữ/trẻ em bị bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết… đã cho thấy hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ người dân lo ngại về tình trạng trẻ em bỏ học/thôi học vướng vào tệ nạn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em DTTS, các hủ tục có hại vẫn còn sẽ ảnh hưởng tới quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS.

Nhận thức của hội viên, phụ nữ vùng cao, vùng DTTS về pháp luật, về quyền của bản thân còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn mang định kiến giới còn nặng nề nên nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo lực thường cam chịu, không dám nói, thậm chí không dám tìm đến địa chỉ tin cậy để tìm sự hỗ trợ, bảo vệ. Đây thực sự là vấn đề đáng được quan tâm giải quyết hàng đầu đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Đoàn cán bộ của Học viện Phụ nữ Việt Nam khảo sát tại cơ sở về thực hiện các mô hình hoạt động của Dự án 8
Đoàn cán bộ của Học viện Phụ nữ Việt Nam khảo sát tại cơ sở về thực hiện các mô hình hoạt động của Dự án 8

Vấn đề đáng lo ngại thứ hai hiện nay, là tình trạng bỏ học của thanh niên DTTS, thiếu giáo dục định hướng nghề nghiệp, sẽ dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Theo khảo sát tại 8 tỉnh là vấn đề này chiếm tỷ lệ 36,7%, trong đó Gia Lai chiếm 59,5%, Quảng Ngãi chiếm 47,2%.

Đặc biệt hiện nay, ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn tồn tại nhiều tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ, trẻ em như: Mang thai không đến cơ sở y tế để thăm khám, sinh con tại nhà, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ sinh nở không được nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em chưa khoa học...

PV: Theo bà, để thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp bách của phụ nữ và trẻ em DTTS chúng ta cần có những điều chỉnh mới gì về cách làm, nhất là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ chị em phụ nữ tự tin, làm chủ trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Hoàng Anh: Thời gian vừa qua, triển khai thực hiện Dự án 8, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình tìm hiểu kiến thức, lồng ghép giới nâng cao nhận thức về giới cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thì vẫn còn những tồn tại thực tiễn cần được tổng kết, đúc rút cho giai đoạn tiếp theo để thực hiện Dự án tốt hơn.

Nguyên nhân do thời gian triển khai thực hiện dự án còn ngắn, các mô hình hoạt động chưa phát huy được hiệu quả. Hướng dẫn tài chính, việc xác định đối tượng thụ hưởng và đối tượng đích còn nhiều bất cập; một số định mức chi còn thấp so với yêu cầu triển khai; người dân, đặc biệt là phụ nữ DTTS còn tự ti, chưa tích cực, chủ động tham gia, chưa có nhu cầu ứng công nghệ….

Các mô hình Dự án 8 đã tác động tích cực tới đời sống phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi
Các mô hình Dự án 8 đã tác động tích cực tới đời sống phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các mô hình hoạt động động cần tăng cường các hoạt động nâng cao hiểu biết xã hội, kiến thức luật pháp và tuyên truyền giáo dục để phụ nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm công dân, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, chính kiến, nguyện vọng của mình trong các cuộc họp dân để tích cực tham gia ý kiến xây dựng địa phương, chính quyền; 

Chú trọng lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới, về luật pháp vào các cuộc họp thôn triển khai những quy định liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân; Tăng cường phát triển các mô hình kinh tế mô hình sản xuất mới, nuôi trồng cây - con đặc sản của địa phương; tạo cơ hội cho các hội viên, phụ nữ tham quan, học tập thực tế từ các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế thành công, để phụ nữ DTTS tự tin, học hỏi vượt qua rào cản, vươn lên.

Bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống và các kiến thức về bình đẳng giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho thế hệ trẻ, nhằm thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới. Đặc biệt, cũng cần phát huy vai trò của nhân tố nam giới vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.