Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đăk Lăk: Cụm Công nghiệp của thành phố xả thải, huyện lãnh đủ!

Lê Hường - Hoàng Tiến - 21:54, 03/04/2020

Nước thải của một số công ty tại Cụm công nghiệp (CCN) Tân An, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) xả trộm ra môi trường trong thời gian dài, đã biến hồ thủy lợi Ea Trum, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar thành nơi chứa nước thải, khiến người dân thôn 6 và buôn Sút M’grư, xã Cư Suê phải sống trong cảnh ô nhiễm nhiều năm.

Dòng nước đen ngòm tại mương thoát nước CCN dẫn ra hồ Ea Trum.
Dòng nước đen ngòm tại mương thoát nước CCN dẫn ra hồ Ea Trum

CCN Tân An nằm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đoạn giáp ranh xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh là đơn vị đầu tư - kinh doanh và chịu trách nhiệm vận hành, bảo vệ môi trường CCN. Năm 2013, dự án hệ thống xử lý nước thải CCN Tân An được triển khai xây dựng, nhưng vì xuất hiện một số sai phạm nên đã ngừng thi công.

Cũng từ đó đến nay, các doanh nghiệp (DN) trong CCN Tân An đã lén xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa đổ về hồ Ea Trum. Đáng chú ý, dù nhiều DN đã bị xử phạt về hành vi này, tuy nhiên, tình trạng xả trộm nước thải vẫn chưa chấm dứt, hồ Ea Trum vẫn bị hủy hoại, bà con buôn Sút M’grư vẫn phải chịu sự tra tấn của nước thải công nghiệp.

Ông Y Đức Êban, Trưởng buôn Sút M’grư, xã Cư Suê, chia sẻ: Hồ Ea Trum là hồ thủy sinh (tích nước từ hệ thống nước ngầm), có diện tích hơn 6ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 1ha. Trước đây, bà con trong buôn hay tắm giặt, cho gia súc uống nước và đánh bắt thủy sản.

Theo ông Y Đức, mấy năm gần đây, nước hồ đổi màu đen, bà con không dám cho trâu, bò uống nước, lấy nước hồ tưới cây, làm rẫy, thủy sản bị tuyệt diệt. Chính quyền địa phương cũng xuống tận nơi kiểm tra nhưng chưa xử lý dứt điểm, nên nước thải từ CCN vẫn xả ra hồ.

“Họ thường xả ban đêm và khi trời mưa. Bây giờ lúc nào hồ cũng có mùi hôi thối, cá thì chết hết rồi. Cứ tiếp tục tình trạng này, nước thải bẩn sẽ thấm vào đất ngấm vào nguồn nước ngầm gây hại đến sức khỏe người dân”, ông Y Đức lo lắng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê xác nhận: Tình trạng các DN trong CCN Tân An xả thải ra hồ Ea Trum đã xảy ra nhiều năm qua. Mới đây, vào ngày 18/3, khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã đã phối hợp với Ban tự quản buôn Sút M’grư xuống hiện trường ghi nhận và báo cáo gửi lên UBND huyện Cư M’gar đề nghị tìm hướng khắc phục giúp dân thoát khỏi cảnh sống ô nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, sau khi nhận được phản ánh, ngày 19/3, huyện Cư M’gar đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột và các sở, ngành có biện pháp xử lý sự việc này; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk quan tâm, sớm cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải của KCN Tân An để giải quyết triệt để vấn đề.

“Trước đây, huyện đã từng làm việc với UBND TP. Buôn Ma Thuột để tìm cách giải quyết chung. Dù các bên đã rất cố gắng nhưng chưa thể giải quyết được. Theo tôi cần xây dựng được nhà máy xử lý nước thải thì mới giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Minh cho hay.

“Công trình nhà máy xử lý nước thải tại CCN Tân An có một số sai phạm, đang được cơ quan thực thi pháp luật đang xem xét, xử lý nên dừng thi công. Khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý, phía UBND thành phố sẽ triển khai, đầu tư sớm để hoàn thành nhà máy. Đối với những đơn vị xả thải ra môi trường, UBND thành phố sẽ xử lý nghiêm”.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.