Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đăk Lăk: Đa dạng hình thức tuyên truyền đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Bảo Anh - 19:38, 14/12/2020

Đăk Lăk 48 thành phần dân tộc chiếm 35,7% dân số, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Để giảm thiểu tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2015 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức.

Các buổi tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở xã vùng sâu, vùng xa
Các buổi tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở xã vùng sâu, vùng xa

Kết hôn theo phong tục

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin, tình hình kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, Đăk Lăk có tỷ lệ tảo hôn khoảng 28,98% và 1.815 người hôn nhân cận huyết thống. Ở các xã vùng III; thôn, buôn ĐBKK có tỷ lệ tảo hôn và số người thuộc diện hôn nhân cận huyết thống cao hơn so với những khu vực khác.

Thực tiễn và khoa học đã chứng minh, việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em, đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, do phong tục, tập quán của các DTTS đã tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay và ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Việc lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng, hoặc của cha mẹ hai bên, sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác, hủ tục hứa hôn, cưỡng ép hôn mang tính gả bán. 

Bên cạnh đó, đồng bào DTTS còn quan niệm con đàn cháu đống, có người nối dõi, kết hôn sớm để có thêm lao động cho gia đình, có người làm nương rẫy… nên rất nhiều cặp đôi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chung sống như vợ chồng, mà không đăng ký kết hôn. Trong khi các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường truyền thông

Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang diễn ra phổ biến trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Chị Lý Thị Bay, CTV dân số thôn 16, xã Cư Kbang đến từng nhà tuyên truyền người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Chị Lý Thị Bay, CTV dân số thôn 16, xã Cư Kbang đến từng nhà tuyên truyền người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Năm 2017 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức được 30 hội nghị tuyên truyền cho gần 3.900 lượt học viên, tại địa bàn 30 xã. Đây là các xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đồng thời, Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nội dung, Sở Thông tin và truyền thông cấp giấy phép xuất bản theo quy định để biên soạn, in ấn và cấp phát 133.300 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn; 133.300 tờ rơi tuyên truyền về Hôn nhân cận huyết thống; 18.800 cuốn Sổ tay hỏi – đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt trên 100 áp phích tuyên truyền tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí giải ngân là trên 3.000 triệu đồng.

Ngoài ra, giai đoạn 2015 - 2019, UBND các huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Dân tộc, UBND xã phối hợp các phòng ban liên quan thực hiện Đề án. Chủ động lồng ghép 322 hội nghị cung cấp thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 24.000 lượt học viên; trong đó có nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, biên soạn, in ấn và cấp phát được tổng số gần 200.000 tờ rơi, tờ gấp, panô, áp phích; tổ chức 3.000 cuộc tư vấn, với hơn 150.000 lượt người tham gia các hoạt động tư vấn; tổ chức mô hình 733 lượt thôn, buôn thực hiện mô hình can thiệp.

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk đánh giá: Trong những năm qua, việc tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2020, đã mang lại những hiệu quả nhất định. Qua các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức của các cấp tổ chức, các hoạt động truyền thông, các cuộc tư vấn trực tiếp, các mô hình can thiệp và việc cung cấp thông tin như tờ rơi, băng rôn khẩu hiệu, ... về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mà nhận thức của người đồng bào DTTS, đặc biệt người phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật hôn nhân và gia đình, ý thức chấp hành pháp luật cũng như hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được nâng lên. 

"So với mục tiêu và thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án năm 2015, thì hiện tại, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể...", ông Lê Ngọc Vinh cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.