Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đắk Lắk kêu gọi người dân vận động các đối tượng tấn công trụ sở xã ra đầu thú

PV - 19:30, 23/06/2023

Liên ngành Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa có thư kêu gọi nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh vận động các đối tượng tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng.

Trụ sở xã Ea Tiêu. Ảnh: HD
Trụ sở xã Ea Tiêu. Ảnh: HD

Rạng sáng 11/6, một nhóm người dùng súng, bom xăng, dao... tấn công trụ sở HĐND, UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến 4 chiến sĩ Công an, 2 cán bộ xã hy sinh; 3 người dân tử vong và 2 cán bộ Công an bị thương nặng.

Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, các đối tượng cực kỳ manh động, ra tay tàn ác và man rợ.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương truy bắt các đối tượng. Tính đến ngày 22/6, đã có 74 đối tượng bị tạm giữ hình sự.

Hiện nay vẫn còn một số đối tượng liên quan đến vụ việc đang lẩn trốn, nên liên ngành Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có thư kêu gọi Nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh vận động những người này sớm ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng.

Thư kêu gọi nêu rõ: Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm trị đối với những người phạm tội ngoan cố, chống đối, nhưng cũng rất nhân đạo, khoan hồng đối với người phạm tội ra tự thú, đầu thú, ăn năn hối cải.

Thực hiện chính sách khoan hồng đối với người phạm tội đầu thú được quy định tại Điều 3; khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự: Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Tùy từng trường hợp cụ thể, theo chính sách hình sự có thể được xem xét cho tại ngoại, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn, giảm nhẹ hình phạt, hoãn chấp hành án, giảm án, tha tù trước thời hạn, đặc xá...

Đây là cơ hội tốt để những người có hành vi vi phạm pháp luật có cơ hội tự khắc phục lỗi lầm, ăn năn, hối cải, đoàn tụ gia đình, làm ăn lương thiện, trở thành người có ích cho xã hội. Ngược lại, nếu tiếp tục lẩn trốn hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, khi bắt được sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Vì sự bình yên cuộc sống, liên ngành Công an tỉnh - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh - Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh hãy tích cực tham gia vận động, giúp đỡ người có hành vi liên quan trong vụ việc xảy ra vào ngày 11/6 tại huyện Cư Kuin ra tự thú, đầu thú.

Đồng thời, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động Nhân dân trong toàn tỉnh tích cực phát hiện, tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do việc sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra.

Người tự thú, đầu thú, người phát hiện, tố giác tội phạm và người có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tự nguyện giao nộp có thể trực tiếp đến trình diện, gọi điện thoại, thông qua người thân liên hệ với cơ quan Công an nơi cư trú hoặc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.