Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thay đổi rõ nét trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên

PV - 14:56, 19/06/2023

Hàng loạt chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc đã thúc đẩy vùng đồng bào DTTS ở khu vực Tây Nguyên khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần làm “thay da đổi thịt”, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho từng gia đình, cộng đồng các DTTS nơi đây.

Ông K’Ril, trưởng thôn Cambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)
Ông K’Ril - trưởng thôn Cambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)

Mặt trời đứng bóng, ông K’Ril, trưởng thôn Cambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) lái chiếc máy cày chở đầy bắp nếp từ ruộng về đỗ xịch trước sân căn nhà hai tầng khang trang. Những thành viên trong gia đình ông K’Ril hối hả đóng bắp thành từng bao để các thương lái người Kinh vào thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Nhiều năm qua, chính sự cần cù lao động, không ngừng học hỏi của bà con địa phương cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, thôn Cambute, xã Tu Tra, nơi có 98% là người DTTS sinh sống đã có sự chuyển mình rõ nét.

Theo ông K’Ril, Cambute vốn là vùng đất cằn cỗi, trước đây đời sống của bà con phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng thường xuyên xảy ra thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm, mương tưới tiêu… được xây dựng và hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã nâng lên một tầm cao mới.

Ông Trương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tới địa phương đầu tư, triển khai hiệu quả các dự án lớn, điển hình là doanh nghiệp chăn nuôi, thu mua, chế biến sữa (Vinamilk, TH true milk, PV milk, Cô gái Hà Lan…), nhà máy sản xuất gạch, công ty trồng và chế biến mắc ca, khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Kim Phát…

Nhiều doanh nghiệp tới đầu tư đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng
Nhiều doanh nghiệp tới đầu tư đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng

Các doanh nghiệp trên đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương, trong đó có đông đảo công nhân là đồng bào DTTS người Cơ Ho, Chu Ru, Ê Đê, Chăm… với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể lên tới hơn 10 triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của xã là 78 triệu đồng/năm. Toàn xã Tu Tra, huyện Đơn Dương hiện không có hộ nghèo.

Sự đổi thay sâu sắc, toàn diện trong vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng còn được thể hiện ở việc người dân tu chí làm ăn, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, một lòng đặt niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Trước đây, buôn K’long Tum, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bà con chỉ biết trồng cà phê, cấy một vụ lúa nước, cuộc sống khá bấp bênh thì nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ lực nhưng đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều người sau khi tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp do chính quyền, đoàn thể tổ chức đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với sự hỗ trợ về nguồn vốn của Nhà nước.

Ông K’Biếu, già làng của buôn K’long Tum, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
Ông K’Biếu - già làng của buôn K’long Tum, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)

Ông K’Biếu - già làng của buôn K’long Tum, xã N’Thol Hạ đưa chúng tôi vào khu chăn nuôi tằm của gia đình, nói: “Tuần sau là được thu hoạch rồi. Vợ chồng mình lớn tuổi, không còn nhiều sức khỏe nên mỗi lần mình nuôi 1 gói giống thôi. Sau hơn 2 tuần thì được thu hoạch, mỗi lứa mình lời được hơn 8 triệu đồng. Chịu khó làm ăn, cuộc sống sẽ chẳng thiếu thốn thứ gì!".

Ông Lê Bá Dương - Phó chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng cho biết, buôn K’long Tum có 315 hộ dân, hơn 800 nhân khẩu, trong đó có 80% là đồng bào DTTS. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã xác định nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những ngành nghề chủ lực giúp bà con DTTS phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Năm qua, Hội Nông dân xã đã mở 2 lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho bà con, hỗ trợ mỗi hộ nuôi tằm 20 triệu đồng (không hoàn lại). Ngoài ra, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ, mỗi gia đình còn được hỗ trợ 12 - 15 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng…

Niềm vui đến trường của học sinh người đồng bào DTTS ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng)
Niềm vui đến trường của học sinh người đồng bào DTTS ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng)

“Từ các nguồn vốn trên, nhiều hộ DTTS đã chuyển đổi vườn cà phê già cỗi, ruộng một vụ sang trồng dâu nuôi tằm. Các hộ đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sử dụng né vuông, khung lưới để nuôi tằm nên năng suất rất cao. Mỗi năm, 200 hộ nuôi tằm trong xã làm ra khoảng 300 tấn kén, thu về 65 - 70 tỷ đồng!..”, ông Lê Bá Dương cho biết.

Các chính sách về vấn đề dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đem lại hiệu quả thiết thực tại các tỉnh Tây Nguyên. Già làng Ama Jenny, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, buôn hiện có 298 hộ dân với 1.200 nhân khẩu, trong đó 65 hộ là người Ê Đê. Những năm qua, bà con hưởng ứng rất tích cực và thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước. Mới đây, buôn được Tp. Buôn Ma Thuột định hướng theo mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình này giúp bà con nhận lại nhiều lợi ích khi kinh doanh tốt các sản phẩm, loại hình dịch vụ đặc sắc của đồng bào. Được sự quan tâm của Nhà nước, nhiều gia đình DTTS còn được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

“Buôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, cuộc sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ nét. Điều đó khiến bà con rất phấn khởi, ngày càng tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước!..”, Già làng Ama Jenny nói.

Buôn Kai, xã Ea Toh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có hơn 110 hộ phần lớn là đồng bào DTTS người Ê Đê. Nhiều năm qua, đây là buôn khó khăn của xã Ea Toh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách cụ thể, đời sống của bà con đã dần khởi sắc. “Chính quyền, đoàn thể đã có nhiều cách thức hỗ trợ, giúp đỡ bà con thay đổi nhận thức, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm ngoái, chúng tôi được Trung ương hỗ trợ để bắt đèn đường thắp sáng buôn vào ban đêm!..”, ông Ama Tình, trưởng buôn Buôn Kai cho biết.

Ông Ama Tình, Trưởng buôn Buôn Kai, xã Ea Toh, huyện Krông Năng, Đăk Lăk
Ông Ama Tình - Trưởng buôn Buôn Kai, xã Ea Toh, huyện Krông Năng, Đăk Lăk

Với vai trò là trưởng buôn, ông Amma Tình thường xuyên tới các gia đình, gặp gỡ, vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, bọn phản động lôi kéo, dụ dỗ. “Mình có cuộc sống êm ấm như hôm nay là nhờ Đảng, Bác Hồ, chính quyền địa phương nên luôn tin tưởng, chấp hành các chính sách, pháp luật đề ra!..”, ông Ama Tình nói.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, kết quả thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS tại Đắk Lắk đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,9 lần so với năm 2015, đạt kế hoạch chỉ tiêu Chương trình đề ra; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 27,6%, bình quân giảm 5,59%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra; 100% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân...  

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.