Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đắk Lắk: Lại "đau đầu" chuyện thiếu giáo viên

Lê Hường - 17:19, 01/07/2021

Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tìm đủ mọi cách để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, song đến nay thực trạng này vẫn chưa được cải thiện là bao, khiến cho công tác dạy và học ở tỉnh, có đông đồng bào DTTS sinh sống này thêm phần khó khăn vất vả...

Thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học
Thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học

Năm học 2020 – 2021, trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột có 568 học sinh, 18 lớp học. Vậy nhưng, cả trường chỉ có 23 giáo viên, gồm 5 giáo viên phụ trách bộ môn, 18 giáo viên tiểu học, nên trường đã phải ký hợp đồng với 3 giáo viên thỉnh giảng. Năm học mới này, số học sinh của trường dự kiến tăng lên 630 em, 20 lớp học và cần phải có thêm 6 giáo viên nữa mới đáp ứng công tác giảng dạy.

Theo thầy Trương Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, đối với giáo viên hợp đồng thỉnh giảng thì 1 năm là hết hợp đồng. Với số giáo viên được biên chế, hiện nay trường mới chỉ đáp ứng được 1 giáo viên/lớp, trong khi quy định đối với khối lớp 1 theo chương trình học mới là 1,5 giáo viên/lớp. Những giờ thiếu giáo viên, ban giám hiệu phải phân công nhau đảm nhận việc giảng dạy.

Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất tỉnh. Năm học 2020-2021, TP.Buôn Ma Thuột mới đáp ứng được 1,75 giáo viên/lớp đối với học sinh THCS và bố trí được 1,35 giáo viên/lớp đối với bậc tiểu học, thấp hơn mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều trường, thành viên ban giám hiệu nhà trường đều phải thực hiện việc đứng lớp giảng dạy để không bị trống tiết, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. 

Bên cạnh đó, một số trường học phải ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng tối thiểu 1 giáo viên/lớp học. Dự kiến năm học 2021 – 2022 thành phố sẽ tăng thêm từ 22 – 25 lớp, với định mức bố trí giáo viên như hiện nay, thì tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên căng thẳng.

Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm trước đã tạo áp lực căng thẳng cho ngành giáo dục và chính quyền địa phương, nhất là giáo viên mần non. Bằng nhiều giải pháp, năm 2019, tỉnh Đắk Lắk được bổ sung hơn 880 giáo viên mầm non và đã được phân bổ trong năm 2020 ở những nơi thiếu giáo viên mầm non, nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng thiếu giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 36.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên từ bậc mầm non đến PTTH. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, toàn tỉnh vẫn thiếu hơn 1.300 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, thiếu hơn 680 giáo viên ở bậc mầm non và 620 giáo viên bậc tiểu học. Địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là các trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Nhiều trường gặp khó khăn trong công tác giảng dạy vì thiếu giáo viên
Nhiều trường gặp khó khăn trong công tác giảng dạy vì thiếu giáo viên

Nguyên nhân do các trường học có nhiều biến động về quy mô, cơ cấu tổ chức lại trường; thực hiện tinh giản biên chế hàng năm và do tăng dân số cơ học tại một số khu vực trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố. Thêm vào đó, Sở GD&ĐT chỉ phụ trách chuyên môn, không chủ động được việc điều tiết số lượng thừa-thiếu giáo viên, cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, cấp học mà đơn vị chủ trì, đầu mối tuyển dụng giáo viên lại là cơ quan khác.

Ông Phạm Đặng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Giải pháp hiện nay của ngành là, tiếp tục rà soát, cân đối, nắm bắt tình trạng thiếu thừa giáo viên rồi thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại đội ngũ. Chuyển giáo viên nơi thừa đến nơi thiếu để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

 “Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các huyện bố trí điều động giáo viên từ chỗ thừa sang chỗ thiếu và Sở Nội vụ khi cắt giảm giáo viên theo chỉ đạo chung của chính phủ, thì ưu tiên cho ngành học mầm non. Đồng thời, xem xét đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế, tuyển dụng thêm giáo viên”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk-Phạm Đặng Khoa đề xuất. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.