Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đắk Lắk: Mở lối để các hợp tác xã phát triển

Minh Thu - 10:20, 04/10/2022

Những tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, khiến hầu hết hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn, buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường… để thích ứng và phát triển. Tuy nhiên, trên lộ trình thực hiện điều chỉnh này, xuất hiện nhiều bất cập cần có cơ chế, lối mở khắc phục.

Một cơ sở chế biến sầu riêng đông lạnh ở huyện Krông Pắc.
Một cơ sở chế biến sầu riêng đông lạnh ở huyện Krông Pắc.

Khó khăn trong tiêu thụ nông sản

HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (HTX Công bằng) buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, có hơn 60ha cà phê, với sản lượng 200 tấn nhân/năm. Trung bình mỗi tháng, HTX bán lẻ cà phê bột rang xay, và 2 tấn cà phê nhân cho quán cà phê, người tiêu dùng ở các tỉnh thành phía Nam. Nhưng, từ đầu năm đến nay, HTX chỉ bán được rất ít cà phê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, HTX đang tồn kho 45 tấn cà phê nhân.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Công bằng cho biết, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng, những năm gần đây, HTX còn thu mua gần 1.000 tấn cà phê sản xuất hữu cơ chất lượng cao, bán trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng, niên vụ cà phê vừa qua, HTX phải tạm ngừng thu mua vì không bán được hàng. Lý do mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đưa ra, là cước phí vận chuyển ra nước ngoài tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá xăng dầu trên thế giới.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Hòa Thắng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang lâm vào cảnh bế tắc. Với 15ha vườn ươm, bình quân mỗi năm, HTX bán trên 2 triệu cây giống. Năm nay, số cây bán ra giảm khoảng 2/3. Hiện nay, nhiều loại cây giống như cà phê, tiêu bị quá lứa buộc phải hủy bỏ. Những loại cây khác có thể cải tạo lại bầu, bọc lại bao bì, bón phân, cắt tỉa cành… thì chi phí tăng gấp đôi. Tính ra, HTX đang thua lỗ trên 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Hòa Thắng than thở: “Hầu hết các hộ thành viên của HTX đều đang thế chấp tài sản, đất đai vay ngân hàng để đầu tư vườn cây giống. Với tình trạng kinh doanh thua lỗ như hiện nay, chúng tôi không biết lấy gì để trả lãi. Muốn hỗ trợ xã viên vượt khó thì HTX không thể vay vốn ngân hàng bởi vướng rất nhiều thủ tục, điều kiện”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cây ăn trái Krông Pắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc cho rằng: Các HTX trên địa bàn hiện đang gặp khó khăn khi giá nông sản thấp và có thể tiếp tục hạ, việc tiêu thụ đình trệ. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, việc vận chuyển tiêu thụ hàng hoá bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến tài chính của doanh nghiệp.

 Mặt khác, do thiếu nhân công có kỹ thuật và công nhân thu hoạch, việc sơ chế chậm, kết nối kho trữ đông khó khăn, nên nhiều đối tác giảm khả năng mua hàng so với trước đây. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, trong đó có việc cho doanh nghiệp thế chấp vay vốn bằng hàng tồn kho …

Tháo gỡ khó khăn, mở lối cho HTX phát triển

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành xem xét, ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ, theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các HTX, có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Các HTX ở Đắk Lắk đang rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng để vay vốn phát triển sản xuất.
Các HTX ở Đắk Lắk đang rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng để vay vốn phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9/9/2021 của Chính phủ về “Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19”, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao sở, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, HTX duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, có nhiều HTX không đủ điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi do chưa có tài sản chung cố định, mà chủ yếu là tài sản riêng của các hộ thành viên; thiếu trụ sở làm việc; không đủ năng lực tài chính báo cáo thuế có lãi 3 năm liên tiếp…

Để huy động nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND, ngày 23/12/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó, bố trí 30 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phát triển KTTT, HTX.

Để hỗ trợ các HTX bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong năm 2022, Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện việc giãn nợ khoản vay từ Quỹ Hỗ trợ HTX cho một số đơn vị, thời hạn tối đa là 6 tháng. Hiện có 31 HTX đang vay vốn từ nguồn quỹ này với tổng dư nợ gần 14,4 tỷ đồng. 

Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk thì, đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng cần có chính sách thông thoáng hơn để các HTX được tiếp cận vay vốn phục hồi sản xuất...

Tại buổi làm việc mới đây với Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) về các vấn đề: Quy định đăng ký tổ hợp tác hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc có góp vốn; quy định tổ chức KTTT có tư cách pháp nhân phải tự công bố định kỳ hàng năm trên trang thông tin các thông tin cơ bản; xử lý tài sản, vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể; quy định về giảm tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên HTX, liên hiệp HTX; chính sách hỗ trợ đối với tổ chức KTTT, quy định nguyên tắc, tiêu chí xem xét, nội dung hỗ trợ… 

Đồng thời, đề xuất một số vấn đề xây dựng Dự thảo Luật HTX (sửa đổi), như: Hỗ trợ vốn đầu tư công cho HTX; Luật Đất đai; góp vốn hoạt động HTX; định nghĩa rõ về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh; tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý HTX…

Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có 630 HTX, trong đó, HTX nông nghiệp là 409 HTX (chiếm 64,9%), HTX phi nông nghiệp có 221 HTX (chiếm 35,1%). Số HTX đang hoạt động là 496 HTX, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Có khoảng 68.793 thành viên tham gia vào HTX, tăng 793 thành viên so với cuối năm 2021. Ước tính đến hết năm 2022, khu vực HTX có khoảng 70.000 thành viên tham gia, số lao động thường xuyên 21.793, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.