Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng mô hình Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện bình đẳng giới

Hoàng Thùy - 10:21, 01/06/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 330 Tổ truyền thông cộng đồng nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có 10 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh.

Ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo
Ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo

Đây là mô hình thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hôi vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, mỗi tổ có từ 8 - 10 thành viên, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ của Tổ là tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuân mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, tích cực theo dõi, nắm bắt đời sống tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng.

Để các Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên. Đến nay, Tổ truyền thông cộng đồng đã tổ chức nhiều hoạt động phục hợp ở cơ sở, trong có việc tiếp nhận góp ý các vấn đề bức thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em thông qua hòm thu đặt tại thôn, buôn hoặc qua ứng dụng mạng xã hội. Tổ tiếp nhận thông tin, báo cáo, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tổ truyền thông cộng đồng được xác định là lực lượng nồng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩa, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục càn trở sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.

Để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, thời gian tới các cấp hội tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, các vấn đề liên quan, nổi cộm tại địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng xây dựng chương trình truyền thông phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng đối tượng hội viên, phụ nữ, truyền thông bằng tiếng địa phương mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ DTTS. Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng phải sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề liên quan đến hội viên, phụ nữ, đi từng ngõ, gõ từng nhà để mỗi hội viên, phụ nữ DTTS là một tuyên truyền viên tích cực thúc đẩy bình đẳng giới.