Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đăk Lăk: Tín dụng đen bủa vây người dân dịp giáp Tết

PV - 14:27, 15/01/2019

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền của người dân tăng cao, nhất là đồng bào DTTS ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Đăk Lăk. Lợi dụng điều này, các đối tượng cho vay tín dụng đen cũng tăng cường mời gọi, cho vay tiền, thu hồi lãi, siết nợ, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương.

Diễn biến phức tạp

Theo Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, người phát ngôn Công an tỉnh Đăk Lăk, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp và đang có xu hướng lan rộng đến địa bàn các xã vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Qua đấu tranh, Công an tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện 132 trường hợp người DTTS tại 9/15 huyện, thị xã, thành phố tham gia tín dụng đen, không có khả năng chi trả với số tiền trên 70 tỷ đồng.

Thành phần vay tín dụng đen rất đa dạng gồm hộ kinh doanh, người lao động, học sinh, sinh viên, thậm chí cả cán bộ, công chức. Nhiều trường hợp do vay số tiền nhiều, lãi cao không có khả năng trả nợ bị đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, phải bỏ nhà đi nơi khác, thậm chí vượt biên trái phép… Công an tỉnh cũng đã đấu tranh, triệt phá 24 nhóm, 91 đối tượng, 21 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

tín dụng đen Các nạn nhân đang trao đổi với phóng viên.

Điển hình như ngày 29/11, Công an huyện Krông Păk đã khởi tố bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Tài, sinh năm 1996, trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk là nhân viên Công ty Đại Phát, trụ sở tại thị trấn Phước An, huyện Krông Păk do đối tượng cho vay nặng lãi đối với anh Phan Thanh Nhã, 34 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Păk và cố ý gây thương tích cho anh Nhã với tỷ lệ thương tật 10%.

Qua khám xét nơi ở của Tài, Công an huyện Krông Păk cũng đã phát hiện, thu giữ 87 bộ hồ sơ với số tiền cho vay trên 3 tỷ đồng và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Mới đây nhất, ngày 11/12, tại huyện Krông Năng lực lượng Công an đã kiểm tra hành chính 3 cơ sở có biểu hiện liên quan đến hoạt động tín dụng đen, do đối tượng Phan Văn Thư, sinh năm 1972, trú tại thôn 4, xã Ea Sô, huyện Ea Kar làm chủ. Các đối tượng khai nhận, từ tháng 8/2018 đến nay đã cho 948 lượt người vay với số tiền 4,3 tỷ đồng.

Trước đó, Công an các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông An và TP. Buôn Ma Thuột cũng đã triệt phá nhiều băng nhóm cho vay lãi cao, tín dụng đen, siết nợ. Đặc biệt, ngoài nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn còn có các đối tượng, băng nhóm hình sự từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa vào hoạt động.

Đấu tranh với tín dụng đen

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn cho biết, ngoài việc dán tờ rơi quảng cáo, thời gian gần đây, các nhóm đối tượng tín dụng đen còn sử dụng phương thức mới, mời chào, cho vay tiền qua tài khoản Zalo, Facebook và các phương tiện Internet khác, quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia vay tiền tín dụng đen, gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra.

Để đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen, Công an tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố lập chuyên án đấu tranh với tín dụng đen. Công an tỉnh cũng mở đợt cao điểm đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/02/2019. Nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, đấu tranh với các nhóm hoạt động tín dụng đen trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát làm rõ hành vi phạm tội có liên quan đến hoạt động tín dụng đen của các nhóm đối tượng, cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hoặc bắt người trái pháp luật để xử lý theo quy định.

Các huyện Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột tổ chức ra quân chấn chỉnh, bóc gỡ các quảng cáo, rao vặt trái phép tại các khu công nghiệp, tập trung đông dân cư, tuyên truyền cho người dân cách nhận diện và các thủ đoạn và hệ lụy khi vay tín dụng đen. Công an tỉnh Đăk Lăk khuyến cáo người dân cần tỉnh táo để không vướng vào bẫy tín dụng đen. Đặc biệt, khi phát hiện có người tham gia hoạt động tín dụng đen, cần tố giác với lực lượng công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Tại Hội nghị Tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 diễn ra mới đây, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh, Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu các ban, ngành tăng cường đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Các cấp ủy, chính quyền cần phối hợp tốt với lực lượng chức năng tập trung, phát hiện, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn triệt để tình trạng này nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

KSOR CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Chính quyền đem đất công cho dân mượn và giao đất không qua đấu giá

Đăk Hà (Kon Tum): Chính quyền đem đất công cho dân mượn và giao đất không qua đấu giá

Thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và hiện vẫn chưa khắc phục xong. Một trong nhiều vụ việc nổi cộm là vào tháng 1/2022, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà đã ký văn bản đồng ý cho hộ gia đình ông Hà Quang Tứ mượn tạm 372m2 đất ở đô thị ngay giao lộ Hùng Vương – Hoàng Thị Loan (khu vực đất đắc địa bật nhất ở thị trấn Đăk Hà) để xây dựng nhà kho kinh doanh vật liệu xây dựng; đến tháng 12/2022 thì UBND huyện Đăk Hà đã có 02 Quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Hà Quang Tứ nhưng không qua đấu giá. Liệu những việc làm này có đúng với quy định của pháp luật, đó là vấn đề mà dư luận trên địa bàn huyện Đăk Hà đang đặt ra hiện nay?