Doanh số cho vay đạt 1.000 tỷ đồng
Đầu năm 2024, gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn 6, xã Nam Đà, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Có vốn, gia đình chị đầu tư mua 50 con dê giống về chăn nuôi. Hiện nay, quá trình chăn nuôi đang diễn ra khá thuận lợi. Theo tính toán của chị Dung, nếu thuận lợi, đến cuối năm 2024, gia đình chị sẽ xuất bán từ 1-2 lứa dê. Nguồn lợi nhuận từ nuôi dê, gia đình chị sẽ tái đầu tư vào chăm sóc vườn rẫy, cây ngắn ngày và nuôi thêm heo thịt.
“Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời nên gia đình khá thuận lợi trong quá trình đầu tư chăn nuôi. Điều này góp phần rất lớn để gia đình hạn chế tình trạng phải đi vay ngoài đầu tư vào sản xuất như những năm trước”, chị Dung chia sẻ.
Ở huyện Đắk Mil, đầu năm 2024, có nhiều gia đình vay được vốn ưu đãi từ NHCSXH. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bền đã được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi heo thịt và bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Anh Bền chia sẻ: “Đời sống người dân hiện nay chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, giá nông sản cao, người dân phấn khởi. Đặc biệt, có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm chăn nuôi”.
Cũng theo anh Bền, nguồn vốn vay từ NHCSXH vừa ưu đãi lãi suất, thời gian vay dài nên nông dân đỡ gánh nặng trả gốc, lãi. Hồ sơ vay vốn đơn giản, thuận tiện nên hỗ trợ rất lớn cho bà con nông dân nghèo.
“Trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay tại NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Nông đạt trên 1.000 tỷ đồng. Với số vốn này, tỉnh đã có 21.187 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận.
Lãnh đạo Chi nhánh tỉnh NHCSXH Đắk Nông cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều chương trình có doanh số cho vay cao, như: Cho vay hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường…
Tăng cường rà soát nhu cầu vốn vay
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, qua rà soát nhu cầu, người dân trên địa bàn rất cần vốn tái đầu tư cây trồng. Với phương châm không để người dân lỡ thời điểm đầu tư, đơn vị tham mưu cho ban đại diện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Trong đó, ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Chi nhánh đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Qua đó, ngân hàng vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cao nhất. Cùng với rà soát, giải ngân vốn vay kịp thời, nhiều biện pháp, như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ… được ngân hàng thực hiện cụ thể. Thông qua các giải pháp này, các hộ vay vốn một phần giảm bớt gánh nặng, yên tâm đầu tư sản xuất-kinh doanh.
Tính đến hết tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trên 4.622 tỷ đồng, tăng 342 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tỉnh có gần 73.099 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi.