Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đắk Nông: Nguồn vốn chính sách giúp người nghèo vượt khó

Tiến Mạnh - 12:51, 28/11/2023

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắc Nông, đến hết tháng 10/2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã có dư nợ khoảng 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã tiếp cận trên 4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh. Nhờ được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Đắk Nông đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Thị Hơch, ở bon Bun Đơn, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã có căn nhà tránh mưa, tránh gió nhờ nguồn vốn NHCSXH
Gia đình chị Thị Hơch, ở bon Bun Đơn, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã có căn nhà tránh mưa, tránh gió nhờ nguồn vốn NHCSXH

Gia đình chị Thị Hơch, ở bon Bun Đơn, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức là một trong những gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ.

Chị Hơch chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định nên nhiều năm nay chị Hơch không thể xây dựng căn nhà mới, dù nơi ở hiện tại đã xuống cấp. Được hỗ trợ kinh phí cho vay 40 triệu từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuy Đức, cùng với vốn của hai bên gia đình nội ngoại hỗ trợ, gia đình chị đã được vào ở trong một căn nhà mới, kiên cố sau hơn 2 tháng xây dựng.

Chị Thị Hơch phấn khởi: “Được sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ của ngân hàng huyện, gia đình tôi đã có một nơi ở ấm cúng, vững chắc. Không còn phải lo về chỗ ở, gia đình tôi cũng quyết tâm làm ăn, sớm trả được tiền vay của ngân hàng, không trở thành gánh nặng cho xã hội”.

Hay như, gia đình chị H’Lê, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) là một trong những hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Song. Trước đây, gia đình chị H'Lê gặp nhiều khó khăn, nhất là khi chồng đột ngột qua đời, chị một mình phải nuôi 2 con ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị được vay vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây cà phê, hồ tiêu.

Chị H’Lê cho biết: “Đối với hộ nghèo, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thực sự có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, tôi mạnh dạn cải tạo thay thế giống cũ bằng giống mới, mua phân bón chăm sóc để cây trồng cho năng suất cao hơn. Ngoài ra, trong thời gian được vay ưu đãi, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng làm ăn, không chỉ để thoát nghèo mà còn để con cái nỗ lực vươn lên, không còn mặc cảm với các bạn”.

Khi đời sống đã dần ổn định, chị H’Lê yên tâm cho con đến trường, đồng thời tích cực học hỏi, tiếp cận với những kiến thức trồng trọt mới để sản xuất hiệu quả hơn.

Chị H'Lê được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, từ đó vượt khó thoát nghèo
Chị H'Lê được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, từ đó vượt khó thoát nghèo

Ông Nguyễn Minh Hướng Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắc Nông cho biết, đến hết tháng 10/2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã có dư nợ khoảng 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã tiếp cận trên 4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh. NHCSXH tỉnh bảo đảm 100% các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, tránh để người dân phải sử dụng tín dụng đen. Đặc biệt, đối với chương trình cho học sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, đến nay, Đắk Nông đã có trên 62.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường...

Có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình kinh tế khó khăn, tạo động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống. Kết quả đạt được cũng là yếu tố giúp chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII về công tác giảm nghèo, phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nhanh các nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo… phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế góp phần tích cực vào mục tiêu chung của tỉnh giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.