Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Dám thay đổi…

Hiếu Anh - 23:02, 10/02/2021

Lọt vào Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, câu chuyện của cô giáo người Mường Hà Ánh Phượng, Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên vùng DTTS. Thế nhưng điều đáng khâm phục nhất ở cô giáo trẻ này không phải là những giải thưởng danh giá mà quan trọng hơn là tinh thần dũng cảm dám thay đổi những suy nghĩ tưởng chừng đã “ăn sâu bám rễ”.

Cô giáo Hà Ánh Phượng dạy tiếng Anh cho các trẻ em nhỏ quanh nhà.
Cô giáo Hà Ánh Phượng dạy tiếng Anh cho các trẻ em nhỏ quanh nhà.

Sinh ra từ miền núi, xã Thượng Long, huyện Yên Lập (Phú Thọ), nơi mà nhiều người vẫn giữ suy nghĩ an phận thủ thường. Thế rồi lớn lên hòa nhập với cộng đồng, cô cũng như nhiều người DTTS lại thường bị định kiến, bị dán nhãn là nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển.

Nhưng với Hà Ánh Phượng thì không!

Phượng âm thầm và mạnh mẽ tự sản xuất “văc xin” chống lại các suy nghĩ tiêu cực. Năm lên lớp 6, Phượng được vào học Trường THCS nội trú, bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh. Thay vì học một cách thụ động, Hà Ánh Phượng miệt mài sưu tầm các tờ sách báo cũ bằng tiếng Anh rồi mày mò tự trau dồi kiến thức.

Đỗ đại học tại Hà Nội, ngay từ năm thứ 2, Hà Ánh Phượng đã đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ và phiên dịch cho hàng chục đoàn khách quốc tế. Những công việc ấy vừa giúp cô có thêm thu nhập vừa tăng cường trình độ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hà Ánh Phượng được một công ty nước ngoài mời làm giám đốc đại diện, với mức lương 30 triệu đồng/tháng.

Mức lương hấp dẫn, môi trường năng động; Phượng đã bị cám dỗ.

Nhưng! không!

Cô đã dám bỏ lại thành công đầu đời để chọn một công việc mà nhiều bạn bè, người quen cho là điên rồ. Đó là trở về quê làm giáo viên, nơi có trên 80% học sinh là người DTTS.

Chia sẻ về quyết định của mình, Phượng cho biết “chắc tại cái tính của tôi không ưa sự nhàn nhã. Tôi muốn chọn khó khăn để thử thách bản thân”.

Và quả thật thực tế rất phũ phàng. Nó khiến nhiều giáo viên trẻ ngại ngần bứt phá. Những ngày đầu đi dạy, dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng Phượng cũng không khỏi hụt hẫng khi học sinh của mình rất chậm chạp. Phần lớn các em học chỉ với mục tiêu duy nhất là thi tốt nghiệp. Một số em còn không biết tra từ điển.

Rời bục giảng, Phượng suy nghĩ, đúng hơn là đấu tranh giữa an phận theo lối mòn hay phải làm một cái gì đó. Một cái gì đó thay đổi cho học sinh của mình - những cô cậu học trò cũng như chính Phượng trước đây.

Thế rồi, một lẫn nữa cô giáo Hà Ánh Phượng chấp nhận đánh đổi sự nhàn nhã để dấn thân vào một hành trình mà chưa có ai ở huyện miền núi này thực hiện. Năm 2018, cô Hà Ánh Phượng thực hiện mô hình “lớp học xuyên biên giới” (Học tiếng Anh cùng học sinh, giáo viên nước ngoài thông qua các ứng dụng)

Vậy là hành trình ấy đã bắt đầu!

Cô giáo Hà Ánh Phượng với những mầm non của đất nước.
Cô giáo Hà Ánh Phượng với những mầm non của đất nước.

Cô Phượng chia sẻ, ngày mới thực hiện mô hình cô thường xuyên làm việc thêm ở nhà. Có lần nhà cô bị mất điện không muốn dang dở sự kết nối, cô Phượng đành ra ngồi ở vườn chuối “bắt ké” Wifi nhà hàng xóm để có thể tiếp tục học. Nhìn không gian làm việc độc đáo của cô, nhiều giáo viên quốc tế không khỏi ngạc nhiên và thú vị. Cũng chính kỷ niệm đó, càng thôi thúc cô cùng học trò từ vườn chuối nhìn ngắm ra thế giới.

Cô Phượng tâm sự, giờ đây, điều làm cô hạnh phúc nhất không phải là những giải thưởng mà là những thay đổi tích cực về giới hạn bản thân của những cô cậu học trò sinh ra ở vùng sâu, vùng xa.

“Học sinh của tôi rất thích học, tự tin, giao tiếp tốt hơn, hiểu biết hơn và say mê với mô hình lớp học xuyên biên giới. Có em tham gia nghiên cứu khoa học về mô hình này đã được giải Nhì cấp tỉnh trong cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Thậm chí, giờ đây nhiều học sinh ở các trường vùng miền núi và cả thành thị trong tỉnh khi được hỏi ước mơ của mình đều nói muốn làm giáo viên tiếng Anh như tôi. Những cảm hứng ấy thậm chí đã tác động trở lại khiến tôi thấy đam mê hơn với công việc”, cô Phượng tâm sự.

Giờ đây, không chỉ học chuyên môn, cô Phượng và học trò còn năng động tham gia nhiều dự án xã nội như Dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Dự án đã kết nối với hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới. Trong tiết học này, học sinh của cô đã mang đến những sản phẩm ống hút tre do mình làm ra và tự tin thuyết trình dự án, với mong muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới bạn bè quốc tế.

Với hành trình không biết mệt mỏi của mình, cô giáo người Mường Hà Ánh Phượng đã truyền đạt một thông điệp thật ý nghĩa “Hãy theo đuổi đam mê, thành công theo đuổi bạn”./.

Cô giáo Hà Ánh Phượng là người đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top 10 giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn. Năm 2020, Cô cũng tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II. Cô cũng đã nhận được Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ cho những nỗ lực của mình năm 2020.