Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đàn đá 3.500 tuổi ở Đắk Nông được công nhận Bảo vật Quốc gia

Hoàng Thùy - 15:12, 04/01/2025

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (Đợt 13, năm 2024) cho các hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó, có Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn niên đại 3.500 - 3.000 năm tuổi, hiện Bảo tàng Đắk Nông đang lưu giữ.

Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn được công nhận bảo vật quốc gia
Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn được công nhận Bảo vật Quốc gia

Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn được phát hiện tại di tích Đắk Sơn, thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô.

Theo kết quả nghiên cứu, Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn gồm 16 thanh, chiều dài trung bình từ 50 - 55cm, trong đó có 1 thanh dài nhất 81cm, ngắn nhất 32cm; chiều rộng các thanh từ 9,5 - 10cm, dày khoảng 2,5cm, trọng lượng bình quân 3,5kg. Sưu tập Đàn đá được chế tác từ loại đá Rhyolite, âm thanh ngân, vang xa, trong trẻo, âm sắc thanh gọn, giữa các thanh đá có độ trầm bổng khác nhau. Bề mặt các thanh đá có lớp ngoài màu xám tro, xám vàng, bên trong lõi đá, cấu trúc đá chặt do tác động địa vật lý tạo và được các nhà khoa học xác định là “đá phiến bất biến”.

Địa tầng hố thám sát tại di tích Đắk Sơn
Địa tầng hố thám sát tại di tích Đắk Sơn

Sưu tập đá này được phát hiện vào năm 2014 và được giám định khảo cổ học, đo tần số âm thanh năm 2016. Từ kết quả nghiên cứu và nhiều căn cứ khác, Hội đồng giám định khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ xác định Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Các nhà nghiên cứu khẳng định, Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn là hiện vật gốc, độc bản, sản phẩm bản địa. Đây cũng là Sưu tập Đàn đá cổ của cư dân tiền sử ở Đắk Nông, được chế tác tại chỗ bằng chất đá tại chỗ.

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Lung, Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa đối với tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Với việc phát hiện Sưu tập Đàn đá tại di tích Đắk Sơn cùng những mảnh gốm, hiện vật đá có niên đại 3.200 - 3.000, nằm trong quy luật phát triển của nền âm nhạc cổ truyền ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Sưu tập này là tư liệu vật thật, sống động giúp các nhà khoa học nhận biết đầy đủ về loại hình di vật và biết chính xác niên biểu sáng chế, phương thức sử dụng đàn đá “cổ nhất” Việt Nam thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí ở Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.

Hiện vật thu được trong quá trình khảo sát, khai quật tại di tích Đắk Sơn trong 2 năm 2016 và 2017
Hiện vật thu được trong quá trình khảo sát, khai quật tại di tích Đắk Sơn trong 2 năm 2016 và 2017

Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn là những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bản địa, tạo nên một không gian văn hóa tinh thần vùng cao nguyên. Ngày nay, đàn đá vẫn là nhạc cụ quý hiếm còn được lưu truyền và sử dụng trong dân gian. Đàn đá vừa là nhạc cụ vừa là vật biểu trưng mang tính nghi lễ trong đời sống văn hóa tinh thần của các DTTS tại chỗ tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn không chỉ là cứ liệu vật thật, minh chứng cho đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú, mà còn khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của cư dân trên vùng đất Tây Nguyên thời tiền sử.

Đây là hiện vật gốc, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, độc bản, độc đáo điển hình, niên đại xác thực, chế tác tại chỗ, nguồn gốc bản địa, có giá trị lịch sử, văn hóa. Là sưu tập đặc sắc, tiêu biểu, cổ xưa nhất.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Tuổi cao, sức yếu, đôi chân đã mỏi, đôi tay không còn nhanh nhẹn, nhưng Nghệ nhân ưu tú Y Ber (dân tộc Ba Na – nhánh Jơ Lơng) ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn đang miệt mài giữ nghề làm gốm. Trăn trở lớn nhất của bà hiện nay là, nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na đứng trước nguy cơ thất truyền.