Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Dân khổ vì doanh nghiệp khai thác cao lanh

Trọng Bảo - 10:44, 28/07/2020

Khu mỏ cao lanh Fenspat ở xã Làng Giàng, Văn Bàn (Lào Cai) có diện tích khoảng 150ha, hiện đang được Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai khai thác theo phương pháp lộ thiên. Doanh nghiệp đã sử dụng nhiều phương tiện cơ giới là máy xúc, ô tô tải trọng lớn... để khai thác dẫn đến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm. Không chỉ vậy, việc khai thác mỏ đã khiến ruộng sản xuất của bà con bị vùi lấp.

Ruộng sản xuất của người dân phủ trắng cao lanh.
Ruộng sản xuất của người dân phủ trắng cao lanh.

Ông Triệu Văn Hưng, người dân xã Làng Giàng cho biết: Đường ra vào mỏ đang tận dụng một phần đường nông thôn mới của thôn Hô Phai, xã Làng Giàng. Con đường ra vào mỏ chỉ vừa một xe, những xe tải trọng lớn chở quặng đi qua gây tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân ven đường.

“Xe ra vào mỏ nhiều khi hoạt động suốt ngày đêm, bấm còi inh ỏi, kể cả khi bà con đang ngủ. Trẻ nhỏ nhiều khi giật thót mình tỉnh giấc vì tiếng động ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt và sức khỏe người dân. Có khi một lúc hàng chục xe rầm rầm chạy qua, ở trong nhà xem tivi mà không nghe thấy tiếng. Như gia đình tôi phải mua cái loa to về cắm vào tivi mà cũng vẫn không nghe nổi”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, mỗi lần xe chạy qua cuốn bụi lên tận mái nhà, len lỏi tới các ngóc ngách, phủ kín đồ đạc trong nhà của các hộ dân ven đường. Không chỉ đồ ăn, nước uống cũng bị ảnh hưởng, đáy bể một số hộ dân được che chắn cẩn thận nhưng bụi cao lanh lâu ngày lắng xuống đóng dày đáy bể.

Nhưng lo lắng nhất của những hộ dân nơi đây là hằng ngày xe chở quặng làm rơi vãi cao lanh, đất đá xuống đường và xuống ruộng sản xuất của nhiều hộ dân trong xã. Sắp đến vụ cấy nhưng mặt ruộng còn đầy cao lanh trắng xóa. “Mấy hôm nay trời mưa khiến nước mưa hòa cao lanh rơi vãi trên đường chảy xuống ruộng. Chắc chắn thứ nước hỗn hợp này sẽ ngấm xuống đất và lâu dài đất sẽ bị thoái hóa. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị Doanh nghiệp nhưng cũng chẳng thấy họ có động thái gì”, ông Hưng bức xúc.

Cũng theo ông Hưng, do xe ra vào mỏ hầu hết là xe tải trọng lớn. Nhưng kè hai bên đường nhằm tránh sạt lở chỉ được làm bằng cọc tre và phên tre yếu nên đất đá cũng như cao lanh rơi vãi, sạt xuống ruộng. Phía Doanh nghiệp hứa làm kè, nhưng chỉ đóng cọc và lót phên tre tạm bợ, nên được thời gian ngắn là hỏng. Xe chạy, kè bị xệ xuống rồi bụi đất, quặng rơi xuống ruộng. Cứ tới mùa trồng cấy, bà con lại phải xúc lớp đất quặng này đi thì cây mới lên được.

Ông Hoàng Văn Thưởng, Trưởng thôn Hô Phai, xã Làng Giàng cho biết: Việc xe chở quặng rơi vãi xuống ruộng lúa, bụi bẩn vào nhà dân diễn ra từ lâu. Bà con đã kiến nghị, thôn cũng nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành giúp đỡ, nhưng Doanh nghiệp cũng chỉ đưa xe về tưới nước mặt đường được 1 - 2 ngày rồi lại thôi.

“Con đường này trước đây người dân trong thôn hiến đất làm đường nông thôn mới rộng 3m. Khi Công ty mỏ vào hoạt động, họ hứa hỗ trợ một phần thôn bản làm đường bê tông hoặc rải nhựa để mở rộng đường thêm mỗi bên 1m, nhưng từ 2012 đến nay vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi hỏi thì họ bảo đường chưa cứng, chưa làm được”, ông Thưởng cho biết thêm.

Người dân cũng đã kiến nghị lên xã, lên huyện từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Thiết nghĩ, cấp ủy đảng, chính quyền xã, huyện Văn Bàn cần yêu cầu Doanh nghiệp tuân thủ bảo đảm môi trường, không để quặng đất tràn xuống ruộng sản xuất, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con nơi đây.

Tin cùng chuyên mục