Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Dân Nậm Đét làm giàu từ cây quế

PV - 15:06, 22/01/2018

Theo lời ông Bàn A San, Chủ tịch xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai), khoảng 40 năm về trước cây quế đã được trồng tại xã Nậm Đét, nhưng diện tích quế không được người dân và chính quyền địa phương chú trọng phát triển, bởi sản phẩm quế chưa phải là hàng hóa. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, số hộ tham gia trồng quế ngày càng nhiều, diện tích quế theo đó được mở rộng.

Cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cho người dân xã Nậm Đét. (Trong ảnh: Người dân xã Nậm Đét đang thu hoạch vỏ quế). Cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cho người dân xã Nậm Đét. (Trong ảnh: Người dân xã Nậm Đét đang thu hoạch vỏ quế).

 

Đặc biệt, nhờ cây quế nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở nên khá giả, không ít hộ trở thành tỷ phú, do đó, cây quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Minh chứng rõ nhất là, năm 2010 từ tiền bán quế, toàn xã thu về chưa đạt 1tỷ đồng, thì đến năm 2016, theo thống kê của địa phương doanh thu từ cây quế đã mang về cho bà con nhân dân trong xã 32tỷ đồng…

“Trồng cây quế rất có lợi, cây quế có thể sử dụng vào nhiều việc khác nhau như: Vỏ được thu mua làm thuốc; thân cây quế có thể sử dụng thành cây chống cốp-pha; cành, lá được người dân tận dụng để chiết xuất tinh dầu quế… Chính vì vậy, kể cả chưa đến kỳ thu hoạch, bà con vẫn có nguồn thu thường xuyên từ việc tỉa cành lá để bán”, Chủ tịch xã Bàn A San cho hay.

Một thời gian dài, hộ gia đình anhTriệu Kim Vảng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ, là một trong những hộ nghèo của xã Nậm Đét. Gia đình anh Vảng có khoảng 1ha lúa, cố gắng lắm, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ đủ lương thực ăn. Nếu gặp năm có thiên tai, bão lũ, thì nguy cơ mất mùa thiếu đói luôn rình rập.

Cách đây hơn chục năm, anh Vảng mạnh dạn đưa 4ha đất đồi của gia đình vào trồng cây quế. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật trồng quế, đồi quế gia đình anh Vảng phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao. “Ngôi nhà 3 tầng xây hết gần 1tỷ đồng và toàn bộ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy... đều là từ tiền bán quế của gia đình năm vừa rồi đấy. Ngoài ra, gia đình mình còn có một khoản tiết kiệm nữa”, anh Vảng khoe.

Trưởng thôn Triệu Kim Hín cũng là một điển hình thoát nghèo và làm giàu từ cây quế. Anh Hín cho biết, trước đây, bà con chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là trồng ngô và trồng lúa nương, năng suất thấp. Đời sống của bà con nghèo đói, thiếu thốn vô cùng. Từ khi đưa cây quế vào trồng bà con trong thôn đã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh.

“Ngay như gia đình tôi hiện cũng có gần 5ha quế, khi chưa thu hoạch thì gia đình chặt tỉa cành lá bán cho thương lái mua về chưng cất dầu, mỗi năm cũng có vài chục triệu đồng. Vừa rồi diện tích quế cho thu hoạch gia đình cũng thu về gần một tỷ đồng”, anh Hín chia sẻ.

Chủ tịch xã Bàn A San cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn xã Nậm Đét đã có gần 1.300ha quế, với hơn 400 hộ dân tham gia trồng. Để bảo đảm duy trì ổn định diện tích quế khai thác, xã cũng đã quy hoạch trên 300ha đất trồng quế, phấn đấu mỗi năm mở rộng thêm từ 50-60ha. Trong đó, vận động bà con tận dụng hết những diện tích còn bỏ hoang để đưa cây quế vào trồng. Từ đó, đẩy mạnh phát triển cây quế là cây kinh tế mũi nhọn ở vùng núi cao này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.