Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

“Dân vận khéo” tập trung vào những việc mới, việc khó

Hoàng Quý - 11:05, 03/11/2020

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận, theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc mới, việc khó. Qua đó, đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Người dân Yên Bái đồng lòng khắc phục hậu quả do sạt lở đất.
Người dân Yên Bái đồng lòng khắc phục hậu quả do sạt lở đất.

Nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái thời gian qua là việc vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang trồng các loại cây cho năng suất cao. Điển hình như tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân lựa chọn cây, con giống có chất lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: Cây chuối, dâu nuôi tằm, chăn lợn, gà và nuôi ong lấy mật.

Chị Vũ Thị Hà (xã Lâm Giang) là một trong những người đầu tiên thực hiện theo hướng dẫn của xã. Chị Hà cho biết, chị đã lồng ghép 3 mô hình chăn nuôi lợn, gà và trồng dâu nuôi tằm. Với 3 nong nuôi tằm, mỗi tháng xuất được 3 lứa tằm, mỗi lứa cho thu 30kg kén và nhộng, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn được xã hỗ trợ đi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm.

Theo ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Lâm Giang, từ phong trào “Dân vận khéo”, xã đã xây dựng được 8 mô hình trang trại lợn, 2 mô hình chăn nuôi trâu và 84ha diện tích cây ăn quả; xây dựng 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Toàn xã có 17 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm, nuôi ong lấy mật, thu mua nông sản, trồng khoai lang… “Nhờ đó, đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Lâm Giang đạt 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,1%”, ông Bộ cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Vĩnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Thông qua phong trào, nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên về công tác dân vận được nâng lên. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực trong xã hội để giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả với hơn 5.500 mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, việc vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đã trở thành phong trào sâu rộng của toàn xã hội. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 76 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn; gần 1.800km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa...

Thời gian tới, để nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”, tỉnh Yên Bái tiếp tục động viên tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, huy động nội lực trong Nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc, ổn định diện tích cây trồng, mô hình chăn nuôi hiện có; khuyến khích phát triển, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các địa phương theo dõi việc xây dựng các mô hình để đánh giá định kỳ…

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.