Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đánh cược tính mạng với dòng nước dữ

PV - 10:58, 24/06/2019

Theo phản ánh của các hộ dân thôn 19 và 20 xã Krông Buk, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk, từ trước năm 2014, người dân thường qua sông E Mich bằng cây cầu tạm. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, đập Krông Buk Hạ được nâng cấp dẫn đến mực nước trên sông dâng cao, cầu tạm bị nhấn chìm. Vì vậy, để qua sông người dân phải đi bằng thuyền tự chế rất nguy hiểm.

Người dân phải qua sông bằng thuyền tự chế cũ nát. Người dân phải qua sông bằng thuyền tự chế cũ nát.

Đánh cược tính mạng

Chị Nông Thị Dung (trú tại thôn 20) cho biết, trước đây khi đập Krông Buk Hạ chưa xây dựng thì mực nước ở sông thấp, người dân có thể di chuyển qua sông bằng cầu tạm. Tuy nhiên, khoảng 6-7 năm trở lại đây, nước sông dâng cao, người dân 2 thôn phải tự đóng thuyền để vượt sông qua bờ bên kia.

“Nhà tôi có gần 1ha rẫy trồng cà phê ở bờ bên kia sông. Ngày nào cũng như ngày nào tôi cùng bố mẹ qua bờ bên kia để làm rồi trưa hoặc chiều tối lại chèo về. Mùa nước cạn, gió không lớn thì tôi mới dám đi, chứ mưa to thì chẳng ai qua sông vì sợ thuyền đắm”, chị Dung nói.

Tương tự, bà Long Thị Ngấy (SN 1967, ở thôn 20) cho biết, do không có điều kiện nên nhà bà chỉ đóng được thuyền bằng gỗ. Tuy nhiên, vì thời tiết khắc nghiệt nên thuyền cũng hư và mục dần theo thời gian. Được biết, để làm một chiếc thuyền nhôm thì phải tốn hơn 10 triệu đồng nên gia đình bà không đủ tiền. Do đó, bà phải đi nhờ thuyền của người cháu để tiện việc qua sông.

“Từ bên này qua rẫy, tôi phải chèo thuyền gần 1 tiếng mới tới. Sáng tôi đi, có khi trưa về; còn hôm nào nhiều việc thì mang cơm theo rồi ở lại. Hôm nào có gió, tôi không dám đi. Sợ bị lật thuyền lắm. Năm vừa rồi, có 4 mẹ con chèo thuyền chở cà phê từ rẫy về nhà, nhưng chỉ mới đi được nửa đường thì gió to, thuyền lật. May mắn, 4 mẹ con được người dân phát hiện cứu kịp thời, còn 6 bao cà phê bị trôi hết”, bà Ngấy chưa hết bàng hoàng kể lại. Cũng theo bà Ngấy, do sợ bị lật thuyền nên gia đình bà mỗi lần mua phân bón cho cây hoặc tới mùa thu hoạch phải thuê thuyền máy để chở với giá 150.000 đồng/ngày.

Nhiều người dân cho biết, họ không chỉ vượt sông để đi làm nương rẫy mà nếu muốn ra trung tâm xã cũng phải đi qua con đường này. Còn nếu không muốn nguy hiểm rình rập, mọi người phải đi quãng đường dài 18km qua xã Ea Phê, rồi mới về xã Krông Buk. Do đó, những em nhỏ đang tuổi đến trường đa phần được gia đình cho đi học ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) để thuận tiện việc đi lại.

Ngóng chờ cây cầu mới

Theo quan sát của chúng tôi, dù mới đầu mùa mưa nhưng mực nước ở sông vô cùng lớn. Hàng chục chiếc thuyền bằng gỗ và nhôm của người dân luôn được neo đậu hai bên bờ để thuận tiện cho việc đi lại. Những em nhỏ cũng được bố mẹ tập luyện cho chèo thuyền. Không những vậy, đa phần người dân di chuyển qua sông không có áo phao hay bất kỳ vật dụng gì để cứu hộ, cứu nạn khi gặp sự cố.

Ông Hứa Văn Vân (Bí thư Chi bộ thôn 19, xã Krông Buk) cho biết, trước kia khi nước chưa ngập, bà con có thể đi lại trên cầu tạm hoặc lúc nước cạn người dân có thể đi trên con đường liên thôn bằng xe hoặc đi bộ. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, mỗi khi đập Krông Buk Hạ trữ nước để cung cấp cho các xã khác thì việc đi lại rất vất vả. Khi đó, khoảng cách hai bên bờ rất xa nên người dân phải đi bằng thuyền. Tuy nhiên, thuyền bà con tự làm nên đi lại nguy hiểm, sóng to có thể lật thuyền bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, đến mùa thu hoạch nông sản, bà con vận chuyển hết sức khó khăn, tốn nhiều công sức và tiền thuê vận chuyển. Không những vậy, mưa xuống nước ngập lên cao người dân 2 thôn cũng bị cô lập, tách biệt với những thôn khác, khiến việc sinh hoạt của người dân, việc học tập của con trẻ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều…

Nhận thấy những khó khăn và nguy hiểm rình rập, người dân đã nhiều lần có ý kiến lên các cấp chính quyền để xây dựng cầu, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, khám chữa bệnh, con em học hành và phát triển kinh tế. “Vừa qua, nắm bắt ý kiến Nhân dân, tỉnh và huyện cũng xuống khảo sát. Còn về cụ thể cầu có được xây dựng hay thời gian bao lâu, đã được phê duyệt chưa thì thôn chưa nắm được. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, giúp đỡ xây dựng cho người dân cây cầu”, ông Vân nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Kim Huệ, Chủ tịch UBND xã Krông Buk cho hay, thôn 19 và 20 có khoảng 180 hộ dân. Hai thôn này trước đây thuộc xã Ea Siên, đến năm 2011 cắt chuyển qua địa phận xã Krông Buk. Việc không có cầu đi lại khiến quãng đường di chuyển ra trung tâm xã của người dân xa và khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Huệ cho rằng, UBND xã cũng nhiều lần có ý kiến lên huyện về vấn đề này. Mới đây, đoàn công tác của huyện đã xuống địa phương khảo sát để có chủ trương đầu tư bởi đây là vấn đề cấp thiết. Người dân địa phương cũng hy vọng cây cầu sớm được xây dựng để người dân có thể thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế, giáo dục.

ĐỨC HUY

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.