Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đánh thức tiềm năng nông sản

Tùng Nguyên - 10:50, 25/09/2019

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đánh thức tiềm năng của hàng trăm đặc sản nông thôn. Đây là nền tảng để tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Đánh thức tiềm năng nông sản

Chuối Laba đã vượt qua kiểm định khắt khe để vào thị trường Nhật Bản.

Chuối là một trong những nông sản quen thuộc. Nhưng ít ai nghĩ có thể trở thành tỷ phú từ việc trồng chuối, đặc biệt là với nông dân ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nhưng ở xã Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng), thời gian gần đây đã xuất hiện không ít tỷ phú nhờ trồng chuối Laba-một giống chuối do người Pháp đưa về Lâm Đồng trồng cách đây gần 100 năm.

Chuối Laba từng được cung tiến cho vua triều Nguyễn nên còn được người dân gọi với tên là “chuối Tiến vua”. Nhưng trong nhiều năm, giống chuối này không tạo ra được nhiều giá trị trong tổng thu nhập của người nông dân xã Đạ K’Nàng. Nguyên nhân là, dù chuối Laba đã được kiểm chứng về chất lượng nhưng chưa tìm được đầu ra để bao tiêu sản phẩm nên số lượng người trồng và diện tích trồng chuối không nhiều.

“Cú hích” đánh thức tiềm năng của chuối Laba đến khi tỉnh Lâm Đồng triển khai Chương trình OCOP. Với việc mở các triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, chuối Laba đã có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là hướng tới xuất khẩu.

Tháng 7/2018, lô chuối Laba đầu tiên của người dân xã Ðạ K’Nàng (huyện Ðam Rông) được xuất sang Nhật Bản với số lượng 8 tấn, mở ra cơ hội mới nhiều tiềm năng cho thương hiệu chuối nổi tiếng lâu nay. Đồng thời tạo sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho nông dân nơi vùng sâu, vùng xa Ðạ K’Nàng. Theo tính toán, mặc dù trồng chuối xuất sang Nhật Bản có kỳ công hơn một chút so với trồng thường nhưng với giá bán ổn định từ 8.000-9.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm 1ha sẽ thu được 500-600 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho thấy, từ tháng 7/2018 đến nay, sản phẩm chuối Laba của xã Đạ K’Nàng đều đặn mỗi tuần xuất 20 tấn sang thị trường Nhật Bản. Đối với một huyện nghèo như Đam Rông, mô hình trồng chuối hướng đến xuất khẩu đang thực sự mở ra một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho người nông dân.

(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.