Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng ở Huổi Só

Nghĩa Hiệp - 22:37, 09/02/2020

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện những năm trở lại đây đang là hướng đi mới cho phát triển kinh tế tại xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng của người dân nơi đây vẫn còn manh mún, chưa thật sự được đầu tư, khai thác tiềm năng để tạo ra giá trị, phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Vừ A So có lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá lồng của anh Vừ A So có lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng mỗi năm

Xã Huổi Só nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La của huyện Tủa Chùa; kinh tế - xã hội (KT-XH) của xã còn gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp trong khi diện tích đất nông nghiệp hạn chế. 100% số diện tích đất ruộng trong xã hiện nay đã bị ngập hoàn toàn dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.

Trước tình hình đó, chính quyền xã Huổi Só đã đưa ra giải pháp tận dụng lòng hồ sông Đà thủy điện Sơn La để phát triển việc nuôi cá lồng bè có giá trị kinh tế cao. Từ đó, vừa phát triển KT-XH, vừa từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: “UBND xã đã tích cực tuyên truyền vận động, các hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Năm 2014 là năm đầu tiên có 1 hộ gia đình đầu tư 12 lồng nuôi cá. Ngay từ năm đầu đã cho thu hoạch ước tính khoảng 1.000kg cá thịt với số tiền thu được khoảng 100 triệu đồng”.

Là người đầu tiên trong xã tham gia mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện, anh Vừ A So, bản Hồng Ngài, xã Huổi Só cho biết: “Tôi muốn là người đi tiên phong trong việc nuôi cá lồng. Khao khát được vươn lên thoát nghèo, tôi đã đi học tập kinh nghiệm từ nhiều địa phương nuôi cá lồng. Năm 2014, tôi vay ngân hàng 40 triệu đồng và vay thêm tiền họ hàng để bắt đầu với 1 lồng cá. Đến nay, tôi đã có 14 lồng cá với cá lăng là sản phẩm chính”. Hiện tại xã Huổi Só đã có thêm 4 hộ nuôi cá lồng, với tổng số lượng lên đến 28 lồng cá, bao gồm các loại như: Lăng, trê lai, chép, trắm... mỗi năm xuất bán ước tính lên đến 2.700kg thành phẩm, bình quân mỗi hộ thu về trên 50 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, hiện quy mô nuôi cá lồng tại Huổi Só vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún, chưa tạo ra nguồn cung thương phẩm dồi dào cho thị trường, chưa hình thành được các chuỗi giá trị thực thụ. Tổng số hộ tham gia nuôi cá lồng còn ít, tốc độ tăng số lượng lồng cá chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bởi hiện nay địa phương vẫn chưa có một chương trình, dự án nào đầu tư, hướng dẫn lĩnh vực này.

Để nuôi cá lồng thật sự phát triển và góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu ở xã Huổi Só, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, tập huấn về kiến thức, kỹ thuật; hỗ trợ vốn, con giống, chính sách vay ưu đãi cho người dân tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng việc tuyên truyền, khuyến khích hình thành hợp tác xã để người dân sản xuất tập trung, quy mô, phát triển nuôi cá lồng theo chuỗi liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu tối đa chi phí trung gian và bảo đảm đầu ra.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.