Vùng cao Bắc Hà vào mùa thu hoạch đào PhápNhững ngày này, ở khu vực trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai) và các xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, đào Pháp bắt đầu chín rộ, nông dân bắt đầu thu hoạch quả đem ra chợ.
Gia đình ông Vương Văn Phong, 70 tuổi, dân tộc Nùng, ở thôn Na Khèo, thị trấn Bắc Hà là hộ trồng đầu tiên, với số lượng hơn 120 gốc đào Pháp từ 5 - 8 năm tuổi. Vốn đã quen cảnh năm được mùa, năm mất mùa đào, ông Phong rầu rĩ bảo nếu như năm ngoái đào được mùa, gia đình thu được gần 1 tấn, bán được hơn 30 triệu đồng, thì năm nay do ảnh hưởng của khí hậu đầu năm rét đậm, rét hại, hạn hán kéo dài, lúc bắt đầu đậu quả thì mưa to làm thối quả non nên đào mất mùa.
“Trong phiên chợ ngày 20/4 và bán lẻ tẻ, gia đình mới bán được hơn 1 tạ quả, thu về hơn 3 triệu đồng, trong khi vườn nhà chỉ còn lác đác hơn chục cân quả nữa đang ương, chờ hái bán nốt vào phiên chợ 27/4 tới. Năm nay khó khăn thực sự rồi! Cả đồi mận tam hoa hơn 300 gốc của nhà mình và cả làng đang đậu quả xanh non cũng bị mất mùa, lác đác quả. Mất mùa do thiên tai rồi!”, ông Phong cho biết.
Đào mất mùa, ít quả nên chủ yếu là quả đào chọn, đào ngố mẫu mã đẹp, thơm ngon, giá thành ổn địnhĐó cũng chính là tâm trạng, nỗi niềm của những người dân trồng đào Pháp và mận ở vùng cao Bắc Hà, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mặt khác cũng gây mất mùa mận tam hoa sắp tới khi hầu hết các cây đều lác đác quả non tơ. Mận, đào là cây trồng, nguồn thu chính của người nông dân khu vực trung và thượng huyện Bắc Hà, nên ngay từ bây giờ, họ đã và đang lo lắng và chỉ còn biết hy vọng cây ngô, cây lúa sắp tới không chung số phận.
Năm nay, do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nên đào Bắc Hà đậu quả thấp, mất mùaĐến trung tâm huyện lỵ Bắc Hà những ngày cuối tháng 4 này, không còn cảnh tấp nập mua, bán đào, niềm vui rạng ngời, hả hê, no đủ với đào nữa. Thay vào đó, là khung cảnh buôn bán đào vắng vẻ, ảm đạm. Không còn nhiều hộ bán, trong khi đó tiểu thương, người mua nhiều, chờ hàng không có, chỉ còn lác đác 3 - 4 tiểu thương có uy tín, thâm niên lâu năm, “có số, có má’ mới mua được chút ít và bày bán đào với số lượng ít phục vụ khách tại khu cổng Đền Bắc Hà và khu chợ hoa quả.
Theo phản ánh của các tiểu thương buôn bán hoa quả và nông dân trồng đào, năm nay, do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nên đào Bắc Hà đậu quả thấp, mất mùa. Chị Trần thị Hương - tiểu thương buôn bán hoa quả có thâm niên 25 năm tại khu vực chợ, bến xe và cổng Đền Bắc Hà chia sẻ, năm nay mất mùa đào, mận do ảnh hưởng thiên tai, khí hậu diễn biến cực đoan. Giá đào không tăng, vẫn duy trì ổn định như các vụ trước. Quả đào to, đều, chủ yếu đào chọn, được giá cao, cỡ 30- 50 ngàn đồng/kg, đào xô số lượng ít giá từ 15 - 20 ngàn đồng/kg.
Toàn huyện Bắc Hà hiện có khoảng gần 100ha cây đào Pháp giống DT 2 và Micret, tập trung ở các xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố và thị trấn Bắc Hà... Đa số các hộ trồng xen cây đào với mận, lê, số lượng từ 30 - 50 cây/vườn. Mấy năm gần đây, những loại cây ăn quả này đã mang lại nguồn lợi kép cho người nông dân, vừa có nguồn thu từ thu hái quả, vừa thu hút khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm…
Đào Pháp được các tiểu thương bày bán tại khu vực cạnh sân Đền, chợ Bắc Hà, phục vụ khách du lịch miền Cao nguyên trắng Bắc Hà Năm nay, mất mùa đào, trong khi kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài tới tận 5 ngày, hứa hẹn nhiều khách du lịch đến với miền Cao nguyên trắng Bắc Hà hùng vĩ, thơ mộng. Và ngay từ lúc này, một số tiểu thương đã và đang lặn lội đến các thôn, bản xa trung tâm huyện miệt mài tìm kiếm hộ trồng đào còn sót quả non tơ hay ương để đặt, gom hàng, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và khách du lịch sắp tới.
Vụ thu hoạch đào pháp trên địa bàn huyện bắt đầu từ trung tuần tháng 4 Dương lịch, dự kiến kết thúc vào đầu tháng 5 và xen gối. Ngay sau khi đào chuẩn bị hết vụ, cũng là lúc những trái mận tím chín sớm trên cây tại những vườn đồi bắt đầu chín. Bắc Hà vào mùa mận tam hoa chín rải vụ, mận tím chín sớm, đúng dịp kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hứa hẹn sức tiêu thụ cao, đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân trồng đào, mận ở Cao nguyên trắng Bắc Hà.