Đã qua vài tuần, nhưng gia đình anh Y Lương Siu, sinh năm 2002, trú thôn 8, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đăk Lăk) vẫn còn thất thần, vì Lương Siu dù được cứu sống nhưng cánh tay phải bị cắt bỏ hoàn toàn. Cách đây gần 2 tháng, trong lúc đi rẫy thì Siu bị rắn cắn. Theo thói quen, Siu rạch ra nặn máu độc rồi về nhà tự kiếm các loại lá cây giã đắp và hơ nóng chườm.
Nhưng sau đó, Lương Siu sốt, đến 8 ngày sau cũng không dứt, chỗ vết thương bốc mùi hôi thối, cả cánh tay tê cứng. Gia đình vội đưa Siu lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì cánh tay đã hoại tử gần hết, bắt buộc phải bỏ tay để giữ tính mạng.
Còn ông Đinh Tếch ở xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh, Gia Lai) bị cây gỗ đâm vào bắp chân sâu hoắm. Trong gia đình ông cả hai thế hệ đều làm nghề hái lá chữa bệnh cho hàng xóm và người thân nên ông cũng tự giã lá cây rồi đắp vào cầm máu. Nhưng mãi không lành, đến khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Gia Lai thì ông buộc phải tháo khớp chân trái.
Không chỉ người lớn, mà trẻ nhỏ cũng gánh hậu quả nặng nề vì sự thiếu hiểu biết của người lớn. Cháu Y Minh, ở xã Cư Ni (huyện Ea Kar, Đăk Lăk) bị đinh gỉ chọc vào tay. Theo anh Y Thanh (bố cháu Minh), cứ nghĩ bị cái đinh đâm vào thì không có gì nghiêm trọng nên để vậy. Khi tay con mưng mủ và đau tấy thì nặn ra rồi đắp lá, nhiều loại lá cũng không rõ tên, cứ đắp theo thói quen vậy. Đến khi Minh không chịu được mới đưa đến bệnh viện thì được chẩn đoán hoại tử diện rộng, sốc nhiễm khuẩn, phải cắt lọc tổ chức hoại tử.
Suốt 3 tháng nay, gia đình anh Y Thanh phải chạy vạy khắp nơi để trang trải món nợ đã vay để chữa tay cho Minh. Anh còn đau lòng hơn vì thiếu hiểu biết khiến con anh sinh ra lành lặn nhưng nay lại trở thành người khuyết tật, mất đi một cánh tay.
Y Thanh chia sẻ: Chỉ mong người dân ở các vùng khác trên cao nguyên này không còn giữ thói quen cứ bệnh gì cũng dùng lá đắp nữa. Được bác sĩ phân tích, mới vỡ lẽ ra rằng, đinh gỉ, thép ghỉ đâm vào tay, chân không được đi sơ cứu và dùng kháng sinh dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Còn với Y Lương Siu, đang là lao động chính trong gia đình thì giờ chỉ còn làm được những việc nhỏ, gánh nặng dồn cả lên người thân. Lương Siu tâm sự: Ở vùng biên giới này nhiều người còn thói quen như mình lắm. Trước đây cũng xảy ra một số trường hợp hoại tử nhưng không quá nặng nên người dân vẫn giữ thói quen. Ít bữa khỏe lại mình sẽ chỉ vào cánh tay cụt của mình để tuyên truyền cho bà con hiểu, từ bỏ thói quen tự dùng lá để chữa.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hầu như tháng nào cũng có bệnh nhân phải phẫu thuật, tháo khớp vì hoại tử. Bà con không nên giữ quan niệm chữa bệnh bằng thuốc Nam, bằng lá cây sẽ tốt. Đặc biệt, với các loại vết thương hở nếu không nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế xử lý, chống nhiễm trùng thì rất nguy hiểm.
ĐÔNG HƯNG