Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đất sản xuất và quyền sinh kế

TS. Hoàng Xuân Lương - 10:40, 16/02/2021

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những nội dung đổi mới, quan tâm hơn đến việc bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người nghèo, đồng bào DTTS. Cụ thể, Nhà nước có chính sách về đất ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, qua đó tạo điều kiện cho đồng bào có đất để sản xuất nông nghiệp bền vững.

Người dân huyện Krông Pắk (Đăk Lăk) canh tác trên đất lâm trường.
Người dân huyện Krông Pắk (Đăk Lăk) canh tác trên đất lâm trường.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất (ĐSX) cho đồng bào DTTS đã có những đóng góp tích cực như, bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo, đồng bào DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); bảo đảm ổn định xã hội, tạo sự công bằng và bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc; Việc thực hiện chính sách hỗ trợ ĐSX cho đồng bào DTTS; xây dựng các khu định canh định cư tập trung nhằm ổn định đời sống cho đồng bào đã hạn chế và ngăn chặn nạn phá rừng để lấy đất canh tác.

Tuy vậy, hiện nay cả nước có khoảng 378.000 hộ DTTS thiếu ĐSX, với tổng diện tích khoảng 211.000ha; trong đó có gần 372.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ (trong đó có hơn 291.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất với diện tích khoảng hơn 177.000ha và gần 80.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng tiền; chuyển đổi nghề nghiệp; xuất khẩu lao động, mua sắm máy móc, con giống...).

Nguyên nhân đồng bào thiếu ĐSX, là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại; do bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng còn chậm và không hiệu quả: Các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng một diện tích đất đai rộng lớn chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào DTTS, đặc biệt là các DTTS ít người sinh sống nhưng hoạt động kém hiệu quả; trong khi đó quỹ đất để giao cho đồng bào sử dụng thì còn hạn chế.

Tại nhiều nơi, nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng đồng bào DTTS sau khi được Nhà nước giao ĐSX theo các chính sách hỗ trợ, nhưng đã chuyển nhượng lại cho người khác. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng trong quản lý (cho thuê, cho mượn, tranh chấp, đất bị lấn chiếm...). Một bộ phận đồng bào DTTS còn có tập quán du canh, du cư, di cư tự phát; chưa quan tâm đến việc đăng ký, xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp và đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu ĐSX tại chỗ.

Vì thế mà khi phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, Quốc hội đã quyết định xây dựng 10 dự án trọng điểm, trong đó có dự án tập trung giải quyết ĐSX, đất ở và nước sinh hoạt với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản giải quyết xong vấn đề thiếu ĐSX, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.

Người dân canh tác nương rẫy trên diện tích đất đã quy hoạch.
Người dân canh tác nương rẫy trên diện tích đất đã quy hoạch.

Có thể thấy, đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng DTTS và miền núi tại 10 tỉnh Tây Nam Bộ năm 2018 và tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách dân tộc năm 2019 - 2020, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau:

Nhiều địa phương không còn quỹ đất, nên không thể giải quyết được mục tiêu ĐSX; một số nơi có thể thu hồi được đất, nhưng giá đất cao hơn nhiều lần tiền đền bù, tiền cấp từ ngân sách và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách không đồng bộ, nên không thể thu hồi; nhiều nơi thu hồi được đất từ các nông, lâm trường, nhưng đất cằn cỗi, sỏi đá, người dân không thể sản xuất.

Chủ trương của Chính phủ rà soát, thu hồi đất các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao lại cho dân, nhưng thực tế chỉ có các nông, lâm trường do địa phương quản lý thực hiện việc thu hồi, còn các nông, lâm trường do các bộ, ngành ở Trung ương quản lý thì khó thực hiện, nhất là từ khi giao quyền quản lý về cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.

Từ đó, để giải quyết vấn đề thiếu ĐSX, bảo đảm sinh kế cho đồng bào DTTS, chúng ta cần quan tâm giải quyết một số vướng mắc, tồn tại đó là, xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết ĐSX cho đồng bào DTTS không phải chỉ là có đất, mà là tạo sinh kế bền vững, nơi còn quỹ đất thì có chính sách đủ nguồn lực để thu hồi cấp cho đồng bào, ở những nơi không còn quỹ đất thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất cho đồng bào, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp; quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS như, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung, dài hạn.

Thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ ĐSX cho đồng bào DTTS: Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, bảo đảm phát triển toàn diện cả về KT-XH, quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất đai của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trả lại cho địa phương; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao ĐSX, cấp Giấy chứng nhận cho các hộ đồng bào DTTS thiếu ĐSX; hỗ trợ khai hoang tạo quỹ ĐSX gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho hộ đồng bào các DTTS chưa có hoặc thiếu ĐSX.

Song song là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ ĐSX đã giao, có các giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng.

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Lân Quan

Đổi thay ở Lân Quan

Từng là một xóm vùng sâu đầy gian khó của người Mông, hôm nay Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có nhiều đổi thay. Phấn khởi hơn, là sự thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình, thôn xóm ngày càng phát triển