Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Phú Yên: Hàng trăm hộ gia đình đã an cư lạc nghiệp

PV - 10:26, 09/09/2019

Có thể nói, việc hình thành các khu tái định cư sẽ giúp đồng bào DTTS có nơi ở, có đất sản xuất, sống an cư lạc nghiệp xóa bỏ dần tập tục du canh du cư. Vì thế, 5 năm qua, chính quyền các cấp ở Phú Yên đã nỗ lực thực hiện Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Được biết, 5 năm qua, 3 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ 15 hộ di dời, giãn dân tới các khu tái định cư xen ghép và hỗ trợ cải tạo đất ở, đất sản xuất cho khoảng 600 hộ đồng bào DTTS.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện chính sách định canh, định cư trong thời gian qua, đã giải quyết cơ bản về nhu cầu đất ở, đất sản xuất, đồng thời góp phần ổn định về an ninh trật tự trong vùng đồng bào. Tuy nhiên, nguồn quỹ đất ngày càng hạn chế nên việc hỗ trợ đất ở cho bà con gặp khó khăn, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn này vào hỗ trợ khai hoang đất sản xuất và cải tạo đất ở để đồng bào yên tâm sống ổn định lâu dài.

Người dân vui mừng vì có nơi ở mới ổn định. Người dân vui mừng vì có nơi ở mới ổn định.

Trong 3 huyện miền núi, thời gian qua huyện Sông Hinh bố trí di dời đồng bào tới các khu định cư xen ghép, còn 2 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân chủ yếu hỗ trợ kinh phí cải tạo đất ở và khai hoang đất sản xuất.

Về buôn Ken (xã Ea Bá, huyện Sông Hinh) những ngày này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên, bởi chỉ cách đây hai năm, khi khu định canh, định cư xen ghép này mới thành lập còn rất hoang vắng, chỉ có vài ngôi nhà ọp ẹp. Nhưng nay đã có hàng trăm ngôi nhà gỗ mái ngói mọc lên san sát, dân cư đông đúc.

Anh Ma Vi, một trong những hộ chuyển tới đây từ sớm, cho biết: Chuyển ra đây đất rộng rãi, lại gần trạm cấp nước nên chúng tôi không lo thiếu nước sinh hoạt. Có đường bê tông từ trục chính của xã về thẳng buôn, việc đi lại cũng thuận lợi. Trước, bà con chần chừ vì chưa có tiền dựng nhà. Nay mọi người đã ra hết rồi, thậm chí nhiều hộ không thuộc diện tái định cư cũng muốn mua đất làm nhà ở đây…

Tương tự, tại khu tái định cư buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh), giờ đây cũng đông đúc, nhộn nhịp với những ngôi nhà khang trang. Mí Thìn, một trong số các hộ đồng bào Ê-đê được di dời tới đây chia sẻ: Làng của tôi trước kia ở gần sông Ba thường xuyên bị ngập lụt. Đến khu tái định cư, có nhà kiên cố, có đất trồng cây mía, cây sắn, có giếng nước tập trung phục vụ sinh hoạt; đường bê tông kiên cố nên thương lái cho xe tải vô tận rẫy mua nông sản, không còn phải gùi đi bán. Giờ cuộc sống tốt rồi, tôi chẳng muốn đi đâu nữa.

Không có điều kiện thuận lợi như Sông Hinh, hai huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân do quỹ đất hạn chế nên các huyện này giải quyết linh động, bằng cách hỗ trợ kinh phí để đồng bào cải tạo đất ở, đất sản xuất.

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 148 hộ được hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để cải tạo 68ha đất ở và 6,4ha lúa nước hai vụ. Địa phương cũng khai hoang 140ha hình thành các cánh đồng Trà Bông ở xã Cà Lúi, buôn Học ở xã Krông Pa, cánh đồng xã Suối Trai, giúp đồng bào nghèo có đất sản xuất, tăng năng suất bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ.

Còn tại huyện Đồng Xuân, 58 hộ được hỗ trợ khai hoang phục hóa đất sản xuất, 91 hộ được hỗ trợ khai hoang đất trồng cây lâm nghiệp và 6 hộ được khai hoang đất lúa hai vụ… Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Trong điều kiện nguồn quỹ đất ít đi, việc cấp đất cho đồng bào khó thực hiện, huyện Đồng Xuân hỗ trợ kinh phí để đồng bào khai hoang mở rẫy trồng rừng, trồng cây lương thực. Cùng với đó, địa phương hỗ trợ nông cụ sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp… để ổn định cuộc sống cho đồng bào.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.