Điển hình như ngành Du lịch đã phục hồi thành công sau đại dịch COVID-19, đón trên 11 triệu lượt khách, đứng thứ 4 toàn quốc về lượng khách, tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong lĩnh vực văn hóa, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch quan trọng như kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cấp phép khai quật khảo cổ khu vực 4 cổng thành, di tích Thành Nhà Hồ.
Đồng thời, hoàn thành kiểm kê Mo Mường trên địa bàn 11 huyện miền núi; Xây dựng hồ sơ, thủ tục trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận: Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước và tỉnh; Xây dựng nhiều chương trình, vở diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào các dân tộc và tham gia các hội thi, hội diễn đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Lĩnh vực thể thao có nhiều chuyển biến quan trọng, đặc biệt là thể thao thành tích cao với 40 HCV tại Sea Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX (hơn 4 HCV so với Đại hội lần thứ VIII, đứng thứ 4 toàn quốc tại Đại hội).
Nhân dịp tổng kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tỉnh Thanh Hoá có 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc, 10 tập thể và 4 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 2 cá nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; 25 cá nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 1 cá nhân, danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 1 cá nhân.