Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đầu tư công trình nước sạch: “Có sinh mà không có dưỡng”

PV - 14:52, 01/02/2018

Để bảo đảm cuộc sống cho người dân những vùng thiếu nước sinh hoạt, những năm qua, các địa phương đã được ngân sách phân cấp đầu tư hàng trăm công trình nước sạch. Nhưng sau đầu tư, không ít công trình nước sạch đang dần “chết yểu”. Nguyên nhân chính được xác định là do các địa phương không bố trí được vốn để duy tu, bảo dưỡng, “có sinh mà không có dưỡng”.

Gần 15 năm nay, hơn 250 hộ/1.000 nhân khẩu ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mặc dù không cách nhánh sông Trà Bồng bao xa, nhưng do nguồn nước bị nhiễm phèn, không sử dụng được nên hằng ngày, người dân nơi đây vẫn phải theo đò ngang sang bên kia sông mua từng can nước về sử dụng.

Tại nhiều địa phương, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ sông suối. Tại nhiều địa phương, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ sông suối.

 

Vấn đề đáng bàn là, từ năm 2001, thôn Đông Yên 3 đã được “sở hữu” một công trình nước sạch do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi xây dựng. Công trình này được đầu tư đầy đủ thiết bị như máy bơm, hồ chứa và xử lý lắng lọc, đài nước chỉ dùng được vài năm thì “chết yểu”.

Tương tự, năm 2011, 1.781 hộ dân ở xã miền núi Ba Vì (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được dùng nước sạch từ công trình nước sinh hoạt Mang Đăng. Công trình có vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng. Nhưng sau 2 đợt lũ quét trong năm 2012 và 2013, công trình bị hư hỏng, hiện đang “đắp chiếu” chờ tiền để tu sửa. Vì vậy, nước sinh hoạt cho 1.781 hộ dân ở Ba Vì lại hoàn toàn phụ thuộc vào… ông trời!

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 469 công trình nước sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư lên tới 353 tỷ đồng. Nhưng tính đến thời điểm tháng 12/2016, gần 2/3 số công trình này không phát huy hiệu quả đầu tư; trong đó có 148 công trình “chết yểu”, 135 công trình hoạt động kém hiệu quả.

Một thực tế cần lưu tâm là, nhiều công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp, thậm chí “chết yểu” không chỉ xảy ra ở Quảng Ngãi mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn, từ năm 2012 đến nay, với nhiều nguồn kinh phí khác nhau như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn 134, 135… các địa phương trên cả nước đã đầu tư, xây dựng khoảng 16 nghìn công trình nước sạch tầm trung. Tuy nhiên, hiện 25% số công trình này hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh, thành thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo tính toán, để đầu tư một công trình nước sạch tầm trung thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra số tiền từ 500 triệu đồng/công trình đến 5 tỷ đồng/công trình. Vị chi, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 16 nghìn công trình nước sạch dao động từ 8 nghìn tỷ đồng đến 80 nghìn tỷ đồng. Tính ra, với 25% số công trình không hoạt động hoặc kém hiệu quả như hiện nay thì số tiền lãng phí lên tới 2 nghìn tỷ đến 25 nghìn tỷ đồng.

Để các công trình nước sạch không phải “đắp chiếu”, không lãng phí ngân sách đã bỏ ra thì chỉ còn cách sửa chữa. Nhưng việc này lại càng khó hơn bởi các địa phương không biết tìm đâu ra tiền để sửa.

Như tỉnh Quảng Ngãi, trước tình trạng nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt ngay tại những nơi đã được đầu tư công trình cấp nước, các địa phương đã gửi tờ trình xin tỉnh vốn để sửa chữa, duy tu, với tổng vốn lên tới gần 142 tỷ đồng. Một số tiền không hề nhỏ mà mục đích bỏ ra chỉ để “chữa bệnh” cho những “đứa con có sinh ra mà không có dưỡng”.

Vậy tính ra, với 25% trong tổng số khoảng 16 nghìn công trình nước sinh hoạt tầm trung trên cả nước đã bị hư hỏng, xuống cấp sẽ cần bao nhiều tiền để sửa chữa? Nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách còn quá hạn hẹp như hiện nay. Phải chăng đành phải để 25% công trình ấy “đắp chiếu”?

Vậy còn 75% công trình còn lại sẽ như thế nào nếu cứ giữ nguyên thực trạng “có sinh mà không có dưỡng”?

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục