Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đầu tư, hỗ trợ những mô hình "đuổi" nghèo ở miền Tây Nghệ An

Thanh Hải - 09:42, 06/08/2024

Đồng hành cùng đồng bào các DTTS miền Tây phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo… đang là mục tiêu quan trọng của cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên là cần thiết, quan trọng, nhưng có ý nghĩa hơn là, khai thác, phát huy nội lực, sự tự lực của mỗi người dân trong việc xây dựng cuộc sống ổn định, bền vững từ những mô hình sinh kế hỗ trợ thoát nghèo.

Bản làng vùng cao xã Tri Lễ huyện Quế Phong ngày càng no ấm nhờ các chương trình, dự án giảm nghèo
Bản làng vùng cao xã Tri Lễ, huyện Quế Phong ngày càng no ấm nhờ các chương trình, dự án giảm nghèo

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Ngoài các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung, để thúc đẩy, hỗ trợ miền núi phát triển, đưa cuộc sống đồng bào các DTTS ở miền núi  sớm tiến kịp miền xuôi, tỉnh Nghệ An có Đề án Giảm nghèo và giúp đỡ xã nghèo miền Tây từ năm 2011 nhằm huy động thêm nguồn lực cho các xã nghèo. Từ nguồn lực chương trình này kết hợp với Chương trình 135, mỗi năm, Nhà nước đầu tư từ 400 - 500 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng thiếu yếu các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn khu vực I, II, III ở các huyện miền Tây Nghệ An.

Điểm nhấn quan trọng trong công cuộc đồng hành cùng đồng bào DTTS miền Tây Nghệ An thoát nghèo, đó là việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo… từng bước nâng cao đời sống. Theo đó, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng đồng bằng, thành phố… nhận kết nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, bản nghèo bằng việc hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở.

Điển hình như, Đồn biên phòng Mường Ải, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã hỗ trợ thả 20 kg cá giống cho hộ gia đình ông Hoa Phò Ngành (trú ở bản Xốp Lau, xã Mường Ải) theo mô hình phát triển kinh tế VAC giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo do đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ. 

Già làng Hoa Phò Ngành chia sẻ: Mới đây, gia đình đã có thêm 2 ao cá do Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Từ nuôi trâu bò và thả cá, trung bình gia đình có thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng mỗi năm.

Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ cá giống cho hộ gia đình ông Hoa Phò Ngành
Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ cá giống cho hộ gia đình ông Hoa Phò Ngành

Từ năm 2021, Nghệ An triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; trong đó có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần với hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, là 603,73 tỷ đồng. 

Ngay như dự án 2 của chương trình này, với nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giai đoạn 2022 - 2023 đã thực hiện xây dựng 11 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 929 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Còn với Tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp,  cũng đã thực hiện hỗ trợ 9 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cho  662 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Những mô hình hay để "đuổi" nghèo

Từ những hỗ trợ thoát nghèo của các chương trình, dự án; người dân như được tiếp thêm động lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, suy nghĩ của bản thân về phát triển kinh tế.

Ở vùng Bãi Sở, xã Tam Quang (huyện 30a Tương Dương), có mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ hiệu quả, được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một nửa dân làng đã phải bỏ đi tìm nơi khác để sinh sống, giờ đây Bãi Sở đã trở thành mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở; và đến nay diện tích thanh long ruột đỏ tại làng Bãi Sở đã tăng lên 10 ha, năng suất 7 tấn/ha, với khoảng 55 hộ tham gia. 

Ông Tống Văn Chiến, người dân làng Bãi Sở, xã Tam Quang kể: Vùng Bãi Sở trước đây rất nghèo, người dân bỏ nhà, bỏ làng tứ tán mưu sinh. Cách nay hơn 10 năm, có người quen ở Bình Thuận cho 15 gốc cây thanh long, tôi về trồng thử thì hiệu quả. Sau đó, tôi nhân rộng; bà con trong làng thấy giá trị cao nên cũng đã theo đó mà trồng. Thanh Long đã trở thành cây có giá trị kinh tế cao của làng.

Người dân xã Tam Quang ,Tương Dương trồng xen canh cây mét dưới tán rừng
Người dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương trồng xen canh cây mét dưới tán rừng

Gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, dân tộc Mông ở bản Na Niếng là điển hình phát triển kinh tế hộ có tiếng ở xã Tri Lễ, huyện 30a Quế Phong, với mô hình chăn nuôi và trồng rừng… thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. Ông là tấm gương về sự cần cù lao động, sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu cho gia đình.

Từ khai hoang diện tích đất trống để trồng lúa nước tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ với năng suất lúa nước của gia đình đạt từ 45 - 47 tạ/ha, đem lại thu nhập khoảng 25 - 27 triệu đồng mỗi năm. Ông Pó đã bàn với vợ rào chắn nhiều khu vực đồi núi trống để chăn thả trâu, bò, ngựa và trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Hiện, tổng đàn trâu, bò, ngựa của gia đình ông lên đến hơn 100 con.

Ông Pó vui vẻ: Khi đã có đủ cái ăn, cái mặc, tôi đã hỗ trợ và giúp đỡ bà con còn khó khăn trong bản để mọi người cùng thoát nghèo. Cũng đã có 15 hộ nghèo trong vùng được nhà tôi hỗ trợ con giống, lúa và vay tiền không lấy lãi đến phát triển kinh tế.

Theo ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, địa phương là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 65%. Đây là thách thức lớn, nên công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của Huyện tập trung.

Ông Hiền cho hay: Được hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế đã được Nhân dân đầu tư nhân rộng. Huyện cũng đã căn cứ trên thế mạnh các vùng đất, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân; kết hợp vận động, tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của Nhân dân.

Có thể thấy, công tác giảm nghèo, là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và Nhân dân các địa phương khu vực miền tây Nghệ An, không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. 

Hiệu quả quan trọng từ các chính sách giảm nghèo là đã khơi dậy sức mạnh nội lực huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo trong đồng bào các DTTS vùng miền Tây xứ Nghệ./.