Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cơ hội vươn lên từ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 08:37, 28/05/2024

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được hỗ trợ sinh kế, cây, con giống để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Tô Thị In, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tham gia mô hình trồng và chăm sóc dưa các loại (Ảnh: Báo Lạng Sơn).
Chị Tô Thị In - xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tham gia mô hình trồng và chăm sóc dưa các loại. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả

Từng nhiều năm là hộ cận nghèo của thôn Nà Pất, xã Vân An, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, năm 2023, gia đình ông Vi Văn Phúc được tham gia mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm từ nguồn vốn Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719. Tham gia mô hình, gia đình ông Phúc được hỗ trợ 150 con vịt giống và thức ăn chăn nuôi; đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vịt.

Ông Vi Văn Phúc chia sẻ: Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi đã xây dựng chuồng trại, mua thuốc về tiêm phòng cho đàn vịt. Sau 3 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình mỗi con từ 2,5 - 3 kg. Từ tháng 7/2023, tôi xuất bán vịt với giá 100 nghìn đồng/kg, thu lãi hơn 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi vịt để tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

"Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, đơn vị phối hợp cùng các ban, ngành, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để các hộ trực tiếp tham gia sản xuất".

Ông Vi Minh Tú Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ nguồn vốn đến các địa phương để hỗ trợ, xây dựng các mô hình sinh kế. Đến hết năm 2023, tỉnh đã triển khai 14 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 24 mô hình chăn nuôi, 30 mô hình trồng trọt. 

Đến nay đã có 476 hộ tham gia liên kết dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị trên địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn. Một số dự án, mô hình đã cho thấy hiệu quả bước đầu trong xóa đói giảm nghèo, như: Dự án trồng và chăm sóc dưa các loại, trồng cây khoai tây ở xã Chiến Thắng, xã Liên Sơn và chăn nuôi vịt thương phẩm ở xã Vân An, huyện Chi Lăng; dự án trồng và chăm sóc cây hồi theo hướng hữu cơ ở Xuân Long, huyện Cao Lộc…

Theo ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn: Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Cùng với đó, đơn vị phối hợp cùng các ban, ngành, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để các hộ trực tiếp tham gia sản xuất.

Tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, với nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, đã có 232 máy nông nghiệp được bàn giao cho các hộ dân tại các xã, thị trấn với tổng giá trị khoảng 2,32 tỷ đồng.

Được hỗ trợ sản xuất, đồng bào DTTS huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có nhiều cơ hội vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Được hỗ trợ sản xuất, đồng bào DTTS huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có nhiều cơ hội vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Ánh - xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi: Trước đây, gia đình thường sử dụng trâu để cày bừa tốn rất nhiều thời gian và công sức. Từ khi được cấp chiếc máy cày mới, gia đình tôi giảm nhiều công sức lao động, đất được cày bằng máy nên tơi xốp hơn, nhờ đó mà năng suất lúa, ngô cũng cao hơn.

Ông Đinh Tất Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi cho biết: Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích đồng bào DTTS tại các xã, thị trấn phát huy nội lực để lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện chú trọng lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG để hỗ trợ cây, con giống, trang thiết bị, máy nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... giúp đồng bào nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập và ổn định đời sống

Dự án nuôi dê cỏ sinh sản ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng, 21 hộ gia đình đồng bào Chứt được thụ hưởng.
Dự án nuôi dê cỏ sinh sản ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng, 21 hộ gia đình đồng bào Chứt được thụ hưởng

Củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước 

Triển khai Chương trình MTQG 1719, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đã và đang tích cực triển có hiệu quả các tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Như tại tỉnh Hà Giang, các địa phương đã chủ động hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân đăng ký tham gia Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, đồng thời thành lập các Tổ cộng đồng thôn nhằm hỗ trợ người dân và thực hiện hiệu quả công tác quản lý dự án. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai 484 dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi bò, ngựa, dê, lợn...

Trồng cây hành tím ở Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Trồng cây hành tím ở Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Còn với tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã triển khai trên 60 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng và người dân. Điển hình như thị xã Vinh Châu triển khai 15 mô hình nuôi heo, dê, cua, tôm cho 352 hộ nghèo, hộ cận nghèo; huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ; huyện Mỹ Tú hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi nghề...

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG 1719 đã tác động tổng thể đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương được thụ hưởng. Diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Nhờ đó, khối Đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; lòng tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.

Tin cùng chuyên mục
Phú Bình (Thái Nguyên): Phát huy hiệu quả vai trò Người có uy tín trong cộng đồng

Phú Bình (Thái Nguyên): Phát huy hiệu quả vai trò Người có uy tín trong cộng đồng

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách đối với Người có uy tín, huyện Phú Bình đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân.