Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người có công

Khánh Sơn - 16:25, 22/12/2023

Chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng là một trong những chính sách xã hội cơ bản đã và đang góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển xã hội. Thực hiện đạo lý, truyền thống cao quý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc NCC, cụ thể hóa Pháp lệnh ưu đãi NCC bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Lãnh đạo huyện Bắc Mê thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Lương, tổ 4 thị trấn Yên Phú.
Lãnh đạo huyện Bắc Mê thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Lương, tổ 4 thị trấn Yên Phú.

Tại tỉnh Hà Giang, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, NCC với cách mạng. Hiện nay, Hà Giang có trên 2.820 NCC và thân nhân của NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã triển khai xây mới, sửa chữa 1.632 ngôi nhà tình nghĩa cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 478 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Toàn tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 41,2 tỷ đồng; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho 2.821 NCC và thân nhân NCC; truy tặng 4 mẹ Việt Nam Anh hùng; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho 21 đối tượng là con của NCC; thăm và tặng quà 110.602 lượt gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày 27/7 hàng năm…

Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Các chế độ, chính sách đối với NCC luôn được tỉnh Hà Giang ưu tiên, thực hiện đầy đủ, kịp thời . Theo đó, bằng những cách làm chủ động, linh hoạt, Hà GIang đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống NCC, giúp NCC nâng cao đời sống vất chất, tinh thần, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.

Với tỉnh Quảng Trị, công tác chăm sóc NCC luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Theo ông Lê Quang Tùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với NCC.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang thăm, tặng quà gia đình CCB Nông Văn Băng, thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê nhân dịp về nhà mới.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang thăm, tặng quà gia đình CCB Nông Văn Băng, thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê nhân dịp về nhà mới.

Đến nay, Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 99% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư; đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2007 - 2022, thông qua “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh Quảng Trị đã huy động được 135 tỷ đồng; xây mới hơn 2.360 ngôi nhà và sửa chữa trên 1.400 nhà ở cho gia đình NCC với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đã nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc; qua đó giúp các Mẹ có cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm tôn tạo và nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”. Quảng Trị là tỉnh vinh dự được chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sỹ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước an táng tại 72 nghĩa trang liệt sỹ; trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia là Đường 9 và Trường Sơn, mỗi nghĩa trang là nơi an nghỉ của trên 10.000 liệt sỹ. Hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia này đã được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật vào ban đêm, vừa tạo thuận lợi cho người dân đến viếng vừa tạo thêm sự linh thiêng. Vào dịp lễ, Tết, các phần mộ liệt sỹ đều được dâng hoa, dâng hương từ những tấm lòng tri ân. Từ năm 1988 - 2022, tỉnh đã quy tập, truy điệu và an táng 8.943 hài cốt liệt sỹ; trong đó 5.421 hài cốt liệt sỹ quy tập tại nước bạn Lào, 3.522 hài cốt liệt sỹ quy tập trên địa bàn.

Hà Giang và Quảng Trị là hai trong số nhiều địa phương trên cả nước đã và đang làm tốt các hoạt động chăm sóc người có công, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ tầm quan trọng và ý nghĩa đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về chăm sóc NCC với cách mạng. Điển hình như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi căn bản, toàn diện, qua đó tiếp tục khẳng định nguyên tắc: “Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”. Pháp lệnh này đã tạo hành lang pháp lý cho việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận NCC với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân NCC với cách mạng. Đồng thời, còn quy định rõ nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của NCC với cách mạng…

Trong giai đoạn hiện nay, ngân sách Nhà nước và các địa phương đã dành hằng nghìn tỷ đồng mỗi năm để thực hiện chính sách trợ cấp, ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc phục hồi sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách… Đồng thời, mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh. Các địa phương trong cả nước đã đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ… 

Từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của NCC…

Bằng sự biết ơn sâu săc, những hoạt động tri ân NCC đó đã góp phần hiện thực hóa chính sách NCC với cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sâu sắc truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây còn là biện pháp giáo dục truyền thống thiết thực nhất, nhằm làm cho các thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ thấm nhuần đạo lý truyền thống, thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh cho hòa bình, độc lập và sự trường tồn của đất nước. 


Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.