Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dạy nhạc ngũ âm cho những người khiếm thị

Phương Nghi - 14:39, 02/06/2023

Từ xưa tới nay, những nhạc công chơi nhạc ngũ âm thường là những nghệ nhân điệu nghệ, đa tài. Thế nhưng tại TP. Sóc Trăng có những đội nhạc công chơi nhạc ngũ âm đều là những người khiếm thị. Họ đã góp phần bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của người Khmer.


Nghệ nhân Lâm Minh Cường (đứng) hướng dẫn học viên khiếm thị hòa tấu nhạc ngũ âm.
Nghệ nhân Lâm Minh Cường (đứng) hướng dẫn học viên khiếm thị hòa tấu nhạc ngũ âm.

Những nhạc công khiếm thị này được đào tạo từ Chương trình hỗ trợ nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng và chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị tỉnh Sóc Trăng, do Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng triển khai tổ chức.

Ông Hoàng Xuân Luyện, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2007, Hội Người mù tỉnh được Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Văn hóa Vùng và Dân tộc ít người (Đan Mạch) tài trợ dàn nhạc ngũ âm. Từ nền tảng ấy, 3 lớp học dạy đánh nhạc ngũ âm cho người khiếm thị lần lượt được tổ chức với tổng số 22 lượt hội viên tham gia đào tạo. Kết thúc khóa học, các học viên đều chơi nhạc rất hay và tích cực tham gia vào Câu lạc bộ âm nhạc của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Nhiều hội viên biểu diễn chuyên nghiệp nhạc ngũ âm trong các chương trình giao lưu văn nghệ của Hội hay tại Lễ hội Ooc Om Bok tỉnh Sóc Trăng các năm 2017, 2019 và 2022.

Nghệ nhân Lâm Minh Cường, nhạc công Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng chia sẻ: “Đảm nhiệm việc dạy âm nhạc cho người khiếm thị, ban đầu tôi cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các học viên, tôi nhận thấy nhiều người có năng khiếu đặc biệt và niềm đam mê với âm nhạc nên học rất nhanh”.

Trong quá trình dạy âm nhạc, thầy Cường còn thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của nhạc ngũ âm, chỉ dạy cho học viên về kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên có kỹ năng biểu diễn tốt hơn. “Chỉ trong thời gian 3 tháng đứng lớp, giáo viên đã dạy cho học viên đánh được 18 bài nhạc ngũ âm về chủ đề chúc mừng năm mới, chúc thọ, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ... Trong đó có một số bài kết hợp giữa đánh nhạc và hát dân ca của người Khmer”, nghệ nhân Lâm Minh Cường thông tin.

Nghệ nhân Lâm Minh Cường cầm tay chỉ dạy từng nốt nhạc cho học viên khiếm thị tham gia lớp học nhạc ngũ âm.
Nghệ nhân Lâm Minh Cường cầm tay chỉ dạy từng nốt nhạc cho học viên khiếm thị tham gia lớp học nhạc ngũ âm.

Anh Triệu Dương Cường (quê ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên) là một trong số 22 học viên tham gia lớp học nhạc ngũ âm. Nhờ được thầy giáo Lâm Minh Cường tận tình hướng dẫn, anh Dương Cường đã trở thành nhạc công giỏi trong ban nhạc ngũ âm. Anh cũng là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Âm nhạc của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng được tham gia nhiều liên hoan âm nhạc dành cho người khiếm thị. Nhạc ngũ âm không chỉ giúp anh Cường và những người khiếm thị thỏa niềm đam mê mà còn giúp họ hòa nhập vào cộng đồng, thể hiện giá trị của bản thân đối với xã hội.

Hiện tại, ngoài thời gian làm việc tại Cơ sở sản xuất dịch vụ tập trung (xoa bóp) của Hội, anh Cường còn phụ thầy Cường hướng dẫn dạy đánh nhạc ngũ âm cho người khiếm thị do Hội tổ chức.

Ông Hoàng Xuân Luyện, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Các lớp đào tạo, dạy đánh nhạc ngũ âm cho người khiếm thị đã mang đến món ăn tinh thần rất có ý nghĩa cho hội viên, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống đặc sắc của người Khmer. Một số hội viên chơi nhạc điêu luyện đã được các đoàn mời đi đánh nhạc ngũ âm tại các buổi tiệc hay lễ hội, mang lại nguồn thu nhập cá nhân. Thông qua Dự án truyền dạy âm nhạc cho người khiếm thị, cộng đồng sẽ hiểu và đánh giá cao hơn về ý chí và năng lực của người khiếm thị khi họ được trao cơ hội học tập và làm việc bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục
Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối bắt đầu được thổi hồn, thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, là “hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần, của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.