Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người”: Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc

PV - 10:04, 28/04/2019

Hiện nay, cùng với điều kiện kinh tế còn khó khăn thì số lượng và chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người (dân tộc thiểu số rất ít người-DTTSRIN) còn rất nhiều hạn chế. Do đó, để hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các DTTSRIN, việc xây dựng một chính sách đặc thù là hết sức cần thiết.

Làng Le, xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm-một trong ba cộng đồng DTTS có dân số ít nhất nước ta (cùng với dân tộc Brâu và dân tộc Ơ-đu). Làng có 148 hộ, với khoảng 500 nhân khẩu.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, đời sống của đồng bào Rơ Măm ở làng Le đã được nâng lên. Cả làng hiện có 28ha lúa nước và 123ha lúa rẫy, người Rơ Măm đã chuyển đổi trồng gần 35ha cao su, 38ha điều. Cùng với trồng trọt, bà con cũng đã phát triển được đàn gia súc, gia cầm gần 600 con để tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở làng Le vẫn còn rất cao, chiếm gần 80% tổng số hộ.

Cán bộ y tế tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Cống, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Cán bộ y tế tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Cống, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn cả là số lượng và chất lượng dân số của đồng bào Rơ Măm đang còn rất nhiều hạn chế. Một thời gian dài, các hủ tục như di cư, người ốm chỉ cúng Yàng… đã tác động mạnh đến sự phát triển dân số của người Rơ Măm, để lại những hệ lụy về chất lượng dân số.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, tuổi thọ bình quân chung của nước ta là 73,23 năm. Nhưng với đồng bào dân tộc Rơ Măm, tuổi thọ bình quân chỉ đạt 61,75 năm, riêng nữ chỉ đạt 58,69 năm. Tỷ suất chết thô cũng rất cao (7,75 người/1.000 dân), trong khi tỷ suất bình quân của cả nước là 6,85 người/1.000 dân.

Số lượng dân số dân tộc Rơ Măm cũng tăng rất chậm. Trước năm 1975, cả cộng đồng Rơ Măm chỉ có 159 người với 26 hộ. Sau hàng chục năm, hiện cộng đồng dân tộc Rơ Măm chỉ tăng lên được khoảng 500 nhân khẩu, với 148 hộ. Thực trạng đời sống kinh tế cũng như số lượng và chất lượng dân số của dân tộc Rơ Măm cũng là tình trạng phổ biến ở cộng đồng các DTTSRIN.

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc), nhìn chung đời sống kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào các DTTSRIN còn rất thấp. So với cộng đồng các DTTS nói chung thì tỷ lệ nghèo của các DTTSRIN có sự chênh lệch khá lớn. Số liệu điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giữa các DTTS có sự chênh lệch rất lớn, cụ thể: Dân tộc La Hủ là 83,9%, dân tộc Chứt là 75,3%, dân tộc Ơ Đu là 66,3%.

Đặc biệt, số lượng cũng như chất lượng dân số ở các DTTSRIN là vấn đề rất đáng quan tâm. Hầu hết các DTTSRIN đều có sự gia tăng về mặt số lượng dân số, chất lượng cũng gia tăng, nhưng không đáng kể. Thậm chí, một số cộng đồng DTTSRIN có tốc độ tăng dân số âm như cộng đồng dân tộc Ngái, năm 2009 có 1.035 nhân khẩu, đến năm 2015 giảm xuống còn 999 người; dân tộc Lô Lô từ 4.541 người giảm còn 4.314 người…

Trước thực trạng của các DTTSRIN, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc”. Theo đánh giá, Đề án sẽ góp phần loại bỏ nguy cơ mất thành phần một số DTTSRIN người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong vùng và trên cả nước…

Chia sẻ thêm về Đề án, ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc, thành viên Ban soạn thảo Đề án, cho rằng: Việc bảo vệ các DTTSRIN sẽ tạo năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển, với xã hội đương đại. Tạo cơ hội để đồng bào DTTSRIN tiếp cận với giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm yêu cầu mở rộng cơ hội lựa chọn của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện các quyền cơ bản, quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo vệ và phát triển các DTTSRIN sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ giống nòi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), việc xây dựng và triển khai Đề án là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần có số liệu cụ thể về đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc dưới 10.000 người, so sánh với số liệu toàn quốc để việc xây dựng Đề án được thiết thực, hiệu quả.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.