Đa dạng hình thức tuyên truyền
Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS, những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các luật: Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người…
Bà Sìn Thị Bình thôn Ná Rin, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: Bà con trong thôn vốn chưa đọc thông, viết thạo, nên việc nắm những quy định của pháp luật là hết sức khó khăn. Được cán bộ tuyên truyền đến bà con trong thôn những quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình… đã giúp bà biết được những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, gia đình, tự giác chấp hành pháp luật.
Theo ông Lý Việt Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát, do nhận thức về pháp luật của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên địa phương chú trọng tổ chức phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận thôn bản để nâng cao hiểu biết của người dân. Bên cạnh đó phối hợp với tuyên truyền viên người DTTS tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để người dân dễ hiểu dễ nắm bắt và làm theo.
Còn tại huyện vùng cao Đồng Văn, Hà Giang thì để nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS, huyện đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng cả tiếng địa phương, với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, luôn lấy người dân làm chủ thể, được thể hiện qua hình thức sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm dễ hiểu. Đồng thời, tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, tư vấn và hỗ trợ kiến thức về hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các trường học.
Ông Vàng Mí Chỏ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Văn cho biết: Thông qua các mô hình tuyên truyền chính sách giáo dục pháp luật ơ cơ sở, đã truyền tải những thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, giúp đồng bào nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật để không vi phạm.
Từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống
Hòa Bình là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm 74,43% dân số toàn tỉnh. Trước đây, nhận thức của người dân trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Qua 05 năm triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, đã tạo chuyển biến tích cực trong đồng bào DTTS và miền núi về chính sách pháp luật.
Ông Hà Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Ban Dân tộc Hoà Bình cho biết: Để thực hiện Đề án 1163, Ban Dân tộc Hoà Bình đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng 5 mô hình điểm trên địa bàn xã Hang Kia, huyện Mai Châu, xã Văn Nghĩa, xã Thượng Cốc huyện Lạc Sơn, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc và xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi.
Triển khai các nội dung của Đề án 1163 và các nhiệm vụ theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 25 hội nghị, lớp tập huấn; 06 hội thảo; phối hợp xây dựng 40 chương trình truyền hình, 32 chương trình phát thanh; xây dựng và duy trì 11 mô hình PBGDPL, tuyên truyền vận động đồng bào DTTS tại các xã; biên soạn, phát hành gần 20.000 cuốn sách, sổ tay kỹ năng, hỏi đáp pháp luật song ngữ; cung cấp hơn 13.900 sách pháp luật; 34.000 tờ rơi, tờ gấp...
Tại cơ sở thì thành lập Nhóm nòng cốt số lượng 30 người/mô hình, thành phần gồm: Bí thư Chi bộ xóm, trưởng xóm, Người có uy tín, trưởng dòng họ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, chi hội nông dân... thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xóm, trong dòng họ, gia đình chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền những nội dung tiếp thu tại Hội nghị và tài liệu được Ban Dân tộc cung cấp truyền đạt lại cho người dân.
Bà Sùng Y Dua, dân tộc Mông, Người có uy tín ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hoà Bình) cho biết: Trong các buổi tuyên truyền, sinh hoạt pháp luật, người dân được cán bộ tuyên truyền, giải thích hiểu về chính sách pháp luật của Nhà nước, nên người dân đã rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Tình trạng bà con vi phạm pháp luật trong đồng bào tại xã rất ít xảy ra, ai cũng lo làm ăn.
Hay như ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), ông Phạm Xuân Cường, Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, trước khi về địa phương tư vấn pháp luật, các cán bộ tư pháp đều dành thời gian tìm hiểu nhu cầu kiến thức pháp luật của Nhân dân; từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng xã. Đối với những xã đặc biệt khó khăn, các khu dân cư hẻo lánh, có nhiều đồng bào DTTS, công tác tuyên truyền tập trung vào các chính sách dân tộc, dân số, kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới.
Với Nhân dân các xã, bản trong khu vực biên giới, phòng tư pháp phối hợp với các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền về những Luật, quy chế, quy định, HIệp định liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới, bảo đảm an ninh biên giới; pháp luật về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tuyên truyền, vận động Nhân dân không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn biên giới...với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Quá trình phổ biến pháp luật cho Nhân dân, đồng bào DTTS có sự linh hoạt và lấy những dẫn chứng cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ hình dung. Vì vậy, nhận thức về pháp luật của đồng bào DTTS ở huyện Quan Sơn đã có sự thay đổi đáng kể.
Minh chứng như ở xã Tam Lư, ông Lữ Văn On, Trưởng bản Hậu chia sẻ: Bản Hậu có 151 hộ dân, với 670 nhân khẩu, có dân tộc Thái, Mường sinh sống, những năm trước đây, Nhân dân trong bản thường xuyên vào rừng săn bắt thú, chặt củi, đốt rừng...Thế nhưng từ khi người dân được tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành chức năng tổ chức, người dân đã hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm tuyên truyền về chính sách pháp luật, nhiều địa phương còn ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL đạt hiệu quả tích cực. Như tại Lai Châu, sau 3 năm triển khai việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, tỉnh đã xây dựng hệ thống trang thông tin PBGDPL tỉnh đưa vào vận hành, hoạt động thường xuyên, phát huy được hiệu quả. Trang Thông tin đã đăng tải gần 1000 tin, bài, tài liệu tuyên truyên, đề cương tuyên truyền pháp luật thu hút trên 7 triệu lượt người truy cập.
Đánh giá về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã được triển khai có hệ thống, trọng tâm, trọng điểm, với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ của Nhân dân; ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, từ thực tế sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021", cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, nhất là vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất, việc tiếp cận đồng bào DTTS... cần có giải pháp khắc phục để công tác PBGDPL phát huy hiệu quả cao nhất trong đời sống xã hội.