Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS”: Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển

PV - 09:24, 13/11/2018

Với mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong thời kỳ đổi mới- hội nhập và phát triển bền vững đất nước, từ năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký ban hành Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Sau 5 năm triển khai Đề án, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đạt được nhiều kết quả: nhiều lễ hội được phục dựng, các ngày hội giao lưu văn hóa thường xuyên được tổ chức theo từng vùng, miền…

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, sau 5 năm triển khai Đề án, cả nước đã có 16 ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước được tổ chức định kỳ, như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ; Ngày hội văn hóa dành cho từng dân tộc như: dân tộc Mông, Mường, Chăm, Khmer, Hoa, Thái, Dao; nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng được tổ chức như: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Ngày hội, giao lưu văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị đối với các tỉnh vùng biên giới Việt Nam-Lào…

di sản văn hóa Ngày hội văn hóa trở thành sân chơi bổ ích của cộng đồng các DTTS. (Trong ảnh: Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X)

Là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai khẳng định: tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 24 di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đầu năm 2018, tỉnh Lào Cai có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Xuống đồng, dân tộc Tày huyện Văn Bàn (loại hình lễ hội truyền thống); Lễ cầu làng “Áy lay”, dân tộc Dao, huyện Văn Bàn (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng); Khắp Nôm, dân tộc Tày, huyện Văn Bàn (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian); Chạm khắc bạc, dân tộc Dao huyện Sa Pa (loại hình nghề thủ công truyền thống); Trống trong nghi lễ của người Mông huyện Mường Khương (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng).

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.250 đội văn nghệ quần chúng, trải đều ở các thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những ngày hội văn hóa đã khơi dậy được nguồn lực trong dân. Nguồn lực đó chính là những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc. Người dân đã tự giác gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, bà con rất háo hức tổ chức liên hoan văn nghệ.

Rõ ràng, thông qua các ngày hội văn hóa, không chỉ Lào Cai, Sơn La mà nhiều địa phương trong cả nước đã phục dựng được các lễ hội truyền thống, đặc sắc, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

di sản văn hóa Ngày hội văn hóa là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ nhân (Trong ảnh: Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan nghệ thuật hát Then- đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Việc tổ chức các ngày hội văn hóa là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ những nghệ nhân của nhiều dân tộc. Trên sân khấu của những ngày hội, có rất nhiều nghi lễ, bài hát Then hay mà tôi muốn chuyển thể thành những tiết mục sân khấu, nhưng nhiều “thầy Then” tuổi cao không cho phép. Theo các thầy, vì tính thiêng của nghi lễ nên không được đưa lên biểu diễn. Tuy nhiên, tôi cho rằng: Nếu không đưa lên sân khấu thì rất ít người biết. Rồi ít lâu nữa, những “thầy Then” về với tổ tiên thì liệu có còn ai biết hát Then? Qua câu chuyện này có thể thấy, ở góc độ nào đó, hình thức sân khấu hóa nghi lễ trong các ngày hội văn hóa là “cứu cánh” cho di sản văn hóa phi vật thể”.

Đánh giá lại kết quả 5 năm thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: Việc tổ chức Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các DTTS theo khu vực và toàn quốc cơ bản đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Đề án 4686, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, góp phần tạo dựng một sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch thật sự bổ ích của cộng đồng các DTTS theo khu vực, theo từng dân tộc và vùng biên giới, gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tìm hiểu và thưởng thức tinh hoa văn hóa truyền thống các DTTS và sáng tạo những tác phẩm văn hóa đa dạng của các dân tộc, các vùng miền trên cả nước”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.250 đội văn nghệ quần chúng, trải đều ở các thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những ngày hội văn hóa đã khơi dậy được nguồn lực trong dân. Nguồn lực đó chính là những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi cộng đồng. Người dân đã tự giác gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, bà con rất háo hức tổ chức liên hoan văn nghệ”. (Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…