Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Để cộng đồng thực sự là chủ rừng

PV - 10:59, 15/01/2019

Luật Lâm nghiệp 2017 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trong đó khái niệm cộng đồng dân cư lần đầu tiên được công nhận là 1 trong 7 chủ rừng (khoản 6 Điều 8). Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, vẫn phải cần thêm nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy.

Những khó khăn từ thực tế

Theo khoản 24 Điều 2, Luật Lâm nghiệp 2017, “Cộng đồng dân cư” bao gồm, cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán.

Trên thực tế, một số địa phương hiện nay, bước đầu thực hiện giao rừng cho đối tượng là cộng đồng dân cư. Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 Việt Nam có 1.145.601ha rừng do cộng đồng dân cư tham gia quản lý (chiếm gần 8%), trong đó rừng tự nhiên là hơn 1.048.765ha, rừng trồng 96.836ha.

Người DTTS vẫn đang rất thiếu đất rừng để sản xuất. Người DTTS vẫn đang rất thiếu đất rừng để sản xuất.

Đánh giá về việc giao rừng cho cộng đồng dân cư trong buổi Tọa đàm “Để cộng đồng thực sự làm chủ rừng: Thực tế và những thách thức” được tổ chức mới đây (vào 10/01), ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: “Sau gần hai thập kỷ, Trung tâm của chúng tôi thực hiện thí điểm giao rừng và phát triển các mô hình quản lý rừng cộng đồng cho thấy, cộng đồng địa phương có khả năng quản lý rừng cộng đồng một cách hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích khác nhau về môi trường, kinh tế, và xã hội”.

Cũng tại buổi Tọa đàm này, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù thực tế một số cộng đồng được giao rừng nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Dẫn đến cộng đồng dân cư cũng như người dân trong cộng đồng này chưa thực sự hưởng lợi từ rừng.

Ông Phàn A Diu, Trưởng bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, Tam Đường (Lai Châu) cho biết, tại bản có 128 hộ sinh sống với 685 nhân khẩu. Ở bản có 2 loại rừng là rừng thiêng và rừng cộng đồng, với tổng diện tích là 335ha. Với số lượng dân bản đông như vậy, trong khi diện tích đất sản xuất rất thiếu. Nhiều diện tích đất rừng chỉ được giao chăm sóc, bảo vệ không được giao sổ đỏ dẫn đến người dân chưa được hưởng lợi. Ông Diu cho biết, nếu được giao sổ đỏ, cộng đồng cam kết vừa giữ rừng vừa có thể sống dựa được vào rừng như trồng dược liệu dưới tán rừng, tận thu các lâm sản phụ…

Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết thêm, mặc dù cộng đồng dân cư đã được quy định là 1 trong 7 chủ rừng trong Luật Lâm nghiệp nhưng nhiều địa phương vẫn có tâm lý lo ngại, khó quản lý do đó vẫn e dè trong việc giao rừng, cấp sổ đỏ.

Để luật đi vào cuộc sống

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần thiết phải có những cải cách để thiết lập một chế độ sở hữu và hưởng lợi từ rừng tự nhiên rõ ràng và phù hợp hơn, nhằm một mặt hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện hiệu quả nguồn lợi trên toàn bộ hệ thống.

Ngoài ra, trong hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên hiện nay, cần xác định rõ diện tích nào thuộc sở hữu Nhà nước, diện tích nào có thể chuyển thành sở hữu cộng đồng dân cư. Với các diện tích rừng tự nhiên cần phải bảo vệ, thì chuyển sang loại rừng bảo vệ, là tài sản công, sở hữu toàn dân và Nhà nước cần tập trung đầu tư nguồn lực để bảo vệ.

Đối với rừng tự nhiên (có thể nghèo kiệt, hoặc trước đây nghèo kiệt) là rừng sản xuất, thì nên được công nhận tài sản của chủ rừng, thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Chủ rừng này cần được phép khai thác theo quy trình quản lý và khai thác rừng bền vững. Quy định này sẽ tạo nên động lực lớn cho phát triển và khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngay các chủ rừng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Xuân Khanh, Viện trưởng Viện Chứng chỉ Rừng cho rằng, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là bước tiến rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Khanh cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hợp lý hỗ trợ cho đồng bào DTTS cũng như việc xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.

Chính quyền địa phương cần xác định giao đất, giao rừng cho cộng đồng, thôn/bản là vấn đề ưu tiên bố trí kinh phí và thực sự quan tâm triển khai; cần rà soát lại ranh giới, trạng thái rừng, nhu cầu sử dụng đất rừng của cộng đồng để giải quyết tốt hiện trạng chồng lấn đất rừng, tranh chấp giữa các chủ rừng, thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn/bản.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.