Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Để lũ quét không còn là nỗi ám ảnh

Hoàng Thanh - 09:31, 03/09/2020

Lũ quét là hiểm họa thiên tai mà khi nhắc đến người dân các địa phương miền núi không khỏi lo lắng. Để lũ quét không còn là nỗi ám ảnh, cùng với việc khẩn cấp di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị sạt lở thì cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ứng phó thiên tai.

Màu xanh đã phủ khắp trên các cánh đồng ở xã Nậm Giải
Màu xanh đã phủ khắp trên các cánh đồng ở xã Nậm Giải

Bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An) nép mình bên sườn núi vững chãi. 65 hộ dân ở Piêng Lâng (100% là dân tộc Thái) vốn trước đây sinh sống ở bản Pục, bản Méo (cũng thuộc xã Nậm Giải), do bị lũ quét năm 2007 cuốn trôi hết nhà cửa, ruộng vườn nên được bố trí tái định cư về đây.

Nhớ lại trận lũ quét kinh hoàng xảy ra gần 13 năm trước, ông Sầm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Giải vẫn còn hoang mang: “Thật khủng khiếp, chỉ trong chốc lát trận lũ quét lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 13 người dân ở hai bản Pục và bản Méo cùng hàng trăm ngôi nhà, trường học…”.

Nỗi ám ảnh về trận lũ quét kinh hoàng năm đó khắc vào tâm trí của ông Chủ tịch xã. Ông bảo, sau lũ, bản làng xơ xác. Người dân bản Pục, bản Méo được tiếp tế lương thực, được hỗ trợ khẩn cấp để ổn định cuộc sống. Nhưng nỗi ám ảnh về lũ quét cứ đeo đẳng người dân và chính quyền địa phương các cấp.

Ông Thành chia sẻ, để thảm họa không còn lặp lại, năm 2009, chính quyền huyện, xã tổ chức họp dân, vận động bà con di dời lên nơi ở mới, đi xa hơn nhưng địa hình rộng rãi, thuận lợi để sinh sống, sản xuất. Bản tái định cư Piêng Lâng ra đời từ thời điểm đó. Lên Piêng Lâng, mỗi hộ được cấp 2.000m2 đất để làm nhà, có vườn rau, có khu chuồng trại tách biệt, nhiều hộ còn đào được ao thả cá, chưa kể trung bình mỗi khẩu trong nhà có 5ha ruộng để canh tác.

Bản Piêng Lâng giờ đây đã xanh màu sự sống, không chỉ bởi kinh tế phát triển mà ý thức chủ động phòng, chống thiên tai của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt. Nỗi đau của những gia đình mất người thân do lũ quét năm 2007 đã trở thành bài học xương máu, để mỗi gia đình ở Piêng Lâng luôn chủ động trước thiên tai.

Trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét khi xảy ra mưa lớn
Trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét khi xảy ra mưa lớn

Mô hình tái định cư ở bản Piêng Lâng cũng cần được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An nhân rộng, bởi theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, từ năm 2007 đến nay, hầu như năm nào ở các huyện này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất khiến hàng chục người chết và thiệt hại chung đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, toàn tỉnh vẫn còn có 240 điểm có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét thuộc 8 huyện miền núi; có 1.836 hộ thuộc 10 huyện miền núi đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao bị thiên tai đe dọa. 

Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân. 

Về lâu dài, công tác phòng, chống thiên tai cần được Trung ương ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình đê, kè, tường chắn lũ, sạt lở; hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống Nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm đời sống và sản xuất; hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các huyện miền núi – nhất là các huyện vùng cao.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, đám cháy xảy ra tại khu vực đất mỏ than bùn do Nhà nước quản lý, sau đó cháy lan sang Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Phú Mỹ làm thiệt hại hơn 10 ha cây rừng tái sinh. Tính đến cuối giờ chiều 12/5, đám cháy đã được khống chế và được các lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt phần cháy ngầm, không cho bùng phát trở lại.