Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Dễ như trồng nấm linh chi

PV - 14:50, 16/03/2018

Những tưởng phải len lỏi vào sâu trong những khu rừng cao núi thẳm, mới tìm thấy nấm linh chi. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tại Hòa Bình, người ta có thể bắt gặp những khu trồng nấm ngay giữa phố xá tấp nập.

Chỉ bằng những mẩu gỗ keo bỏ đi, các nhà khoa học ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hòa Bình đã tạo ra hàng nghìn giá thể nấm quý này ngay tại nơi làm việc

Nấm sống trên gỗ keo

Khu vườn trồng nấm linh chi đỏ rực nằm trong khuôn viên của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&KT Hòa Bình ngay giữa TP Hòa Bình. Bạt ngàn những cây nấm linh chi-sản phẩm của các nhà khoa học nơi đây mọc san sát, vươn mình lên trong những bịch giá thể gỗ keo.

Kỹ sư Trần Đình Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: Nấm linh chi được nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Giá thể gỗ từ cây keo được lấy về xử lý hết nấm mốc, mối mọt bằng hấp, sấy tiệt trùng. Sau đó, cấy nấm vào trong giá thể gỗ rồi đặt trong nhà lưới, điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ, độ ẩm để cho các giá thể phát triển.

Kỹ sư Trần Đình Thắng giới thiệu về nấm linh chi. Kỹ sư Trần Đình Thắng giới thiệu về nấm linh chi.

 

Đây là kỹ thuật mới, trồng nấm trên cây keo tươi. Kỹ thuật này khác với những công nghệ phổ biến đang được áp dụng là trồng nấm trên bông và mùn cưa, một số chất dinh dưỡng bổ sung. Còn ở đây, nguồn dinh dưỡng cho nấm hoàn toàn từ gỗ keo, chủ yếu là cành, ngọn cây keo. Vì cây nấm sống trực tiếp trên thân cây keo nên chất lượng nấm tương đương với nấm linh chi trong tự nhiên, vốn được sống ký sinh trên các thân cây gỗ.

Nấm linh chi trồng trên giá thể gỗ keo. Nấm linh chi trồng trên giá thể gỗ keo.

 

Theo Kỹ sư Thắng, dù ở rừng hay phố, nhà đô thị hay nông thôn, đều có thể trồng nấm linh chi chuẩn, sạch, hoạt chất cao. Đây là công nghệ trồng nấm linh chi mới ở Việt Nam được thử nghiệm, Trung tâm sắp bước vào giai đoạn thu hoạch để nhân rộng mô hình. “Hy vọng bà con nông dân ở bất cứ đâu cũng có thể trồng được nấm linh chi, cho thu nhập cao. Người tiêu dùng thì được thụ hưởng loại nấm chất lượng cao, giá rẻ”, Kỹ sư Trần Đình Thắng cho biết.

Trồng nấm khó mà dễ

Kỹ sư Thắng cho biết, để chăm sóc được vườn nấm, cho ra những cây nấm mập mạp, cứng cáp, đòi hỏi người chủ vườn phải nắm được các kỹ thuật, kịp thời điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm để nấm phát triển, không bị còi cọc.

Mỗi lứa nấm trồng khoảng 3 tháng là cho thu hoạch, sau đó khoảng 15-20 ngày là thu hoạch tiếp 1 lứa nữa. Mỗi đợt trồng giá thể có thể cho thu hoạch 3 lần. Khi trên tai nấm không còn viền màu vàng nhạt nữa mà đã chuyển sang màu nâu hết thì nghĩa là nấm đã già, có thể thu hoạch được. Khó tính là thế nhưng cũng rất dễ trồng nếu người dân thực hiện đúng hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật.

Theo anh Trần Anh Tài, nhân viên kỹ thuật ở Trung tâm, với công nghệ mới này, ước tính sơ bộ, nấm bán ra thị trường sẽ có giá từ 400.000 đồng-600.000 đồng/kg. Mức giá này là người trồng nấm đã có lợi nhuận 50% rồi. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, nấm linh chi dao động từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu đồng/kg. Nấm linh chi có thể dùng làm dược liệu cho đông y, hoặc pha trà uống hằng ngày.

Kỹ sư Thắng mong muốn, tới đây sẽ nhân rộng được mô hình trồng nấm linh chi, để người người, nhà nhà đều có thể trồng nấm, đem lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, việc nhân rộng cũng phải kết hợp với tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng trồng nấm xong không biết bán cho ai.

TÔ HỘI

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.