Góp phần đảm bảo "mục tiêu kép"
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, người thu nhập thấp đặc biệt là công nhân tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX) là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.
Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản nhằm nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người lao động trong các KCN.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) - (có nhà ở có công nhân) còn nhiều hạn chế trong đó hiện nay chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách NƠXH, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.
Hơn nữa, chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN: Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý KCN và khu kinh tế. Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH vẫn còn thiếu.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất làm nhà công nhân…
Đồng thời, đề nghị có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển NƠXH, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Về nguồn vốn phát triển NƠXH, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển NƠXH vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách NƠXH cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay phát triển NƠXH trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỉ đồng cho phát triển NƠXH theo Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân KCN - KCX vay để đầu tư phát triển NƠXH, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: Bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
Xóa điểm nghẽn về nguồn vốn đầu tư
Liên quan tới đề xuất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để phát triển NƠXH, chia sẻ với Lao Động, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bất động sản đều bày tỏ sự đồng tình.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội - nhìn nhận khi nguồn vốn của các doanh nghiệp đang khó khăn thì với gói tín dụng hỗ trợ để phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở cho công nhân là rất tốt.
“Đây không những bổ sung nguồn tiền, tạo động lực cho doanh nghiệp mà có cả sự quan tâm để doanh nghiệp đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại các KCN, KCX” - vị này nhấn mạnh.
Nói với Lao Động, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với gói 30.000 tỷ đồng để phát triển NƠXH có thể không quá lớn. Tuy nhiên, là nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp lúc khó khăn do COVID-19. Ông Thịnh cho rằng, cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể.
“Chúng ta phải có lộ trình cho doanh nghiệp vay bao nhiêu năm, vay để tập trung vào một tỉnh phát triển ở một KCN chứ không nên dàn trải quá vì số tiền không lớn. Nếu dàn trải sẽ mất đi tác dụng của gói tín dụng hỗ trợ” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài việc các doanh nghiệp chủ động đi tìm nguồn vay ở các ngân hàng thì Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải quan tâm, chú trọng hỗ trợ tới doanh nghiệp. Khi có các gói tín dụng hỗ trợ kích cầu thì đó cũng là cơ hội để phát triển phục hồi nền kinh tế…
Ở góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty địa ốc ở Hà Nội cũng thừa nhận, điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua là thiếu vốn nên việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án NƠXH gặp rất nhiều khó khăn khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc cho vay từ cuối năm 2016. Nếu gói này được duyệt thì rất tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đang muốn tập trung và phát triển nhà ở cho công nhân lao động.
TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, ách tắc nguồn vốn chính là điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua, chậm bố trí nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách NƠXH.
“Nguồn vốn mồi từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng. Thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước kia đã cho thấy, với 1 đồng từ ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, thì ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội nên rất hiệu quả” - ông Tú chia sẻ.