Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gói 38.000 tỷ đồng - “Liều thuốc” tiếp sức người lao động, doanh nghiệp vượt đại dịch

PV - 09:42, 06/10/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Từ ngày 1/10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Từ ngày 1/10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, phải tạm ngừng sản xuất, kéo theo hàng triệu lao động bị giảm thu nhập, hoặc mất việc làm.

Với tinh thần "một miếng khi đói, bằng 1 gói khi no", ngày 1/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2021 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 38.000 tỷ đồng.

Từ ngày 1/10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, dao động trong khoảng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người. Doanh nghiệp sẽ được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian giảm đóng 12 tháng, kể từ ngày 1/10.

Có thể nói chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lần này là điều chưa có tiền lệ. Dù số tiền hỗ trợ chỉ vài triệu đồng mỗi người, nhưng đối với nhiều công nhân lao động, đó cũng là khoản tiền đáng quý, giúp họ trang trải cuộc sống giữa lúc khó khăn này.

Niềm vui của công nhân khi nhận được tiền hỗ trợ

8 triệu đồng là mức thu nhập trung bình mỗi tháng của chị Trinh khi làm việc tại khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dù địa phương không xảy ra dịch, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty gặp khó trong việc tìm nguyên vật liệu nên nhiều tháng qua thiếu việc để làm, lương của chị cũng giảm, chỉ còn một nửa.

Chị Đào Thục Trinh, công nhân Khu Công nghiệp Bá Thiện II, Khu Công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Tiền phòng trọ là 1,2 triệu. Tiền ăn uống khoảng 3 triệu. Vừa rồi con vào đầu năm học, chi phí đóng học hơn 4 triệu nữa. Tháng vừa rồi không đủ trang trải".

"Ngày bình thường, bình quân một ngày em tiêu hết 50.000 đồng, nhưng nếu dịch bệnh chỉ tiêu 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Được hỗ trợ là niềm vui, là niềm hạnh phúc", anh Trần Văn Tuyến, chồng chị Trinh, cho biết.

Có công việc để làm vẫn còn là may mắn, vì ở khu trọ ngay ngoại thành Hà Nội, trong đợt dịch vừa qua, nhiều công nhân là F0, F1 phải đi cách ly tập trung.

Chị Yến (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) mới đi làm trở lại được hơn 10 ngày nay, nhưng gánh nặng thu nhập vẫn còn đó. Hai tháng đi cách ly lại ốm đau liên miên, chị đã vét sạch tiền lương tích lũy, nhưng không đủ tiền mua thuốc.

"Dù là người có gia đình hay không có gia đình đang trong hoàn cảnh này rất là mừng. Khoản này giúp chúng tôi trang trải cho cuộc sống, phụ giúp chi trả cho những khoản trước đó bị thâm hụt", chị Yến cho hay.

Còn với 2 vợ chồng anh Hậu (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long), nỗi lo cơm áo gạo tiền lại đang đè nặng hơn bao giờ hết. Mới là F0, cả nhà phải đi cách ly trong đợt dịch vừa qua nên kinh tế vốn đã khó khăn, lại càng thêm eo hẹp. Dù công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản trong 2 tháng ngừng việc, nhưng vợ chồng anh Hậu cũng không thể lo đủ tiền: tiền thuê trọ, tiền ăn, tiền mua sữa, tiền mua bỉm cho con.

"Khoản tiền dù không được nhiều nhưng rất có ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh thế này", anh Hậu bày tỏ.

"1 triệu hay 2 triệu cũng đỡ được phần nào. Bao nhiêu khoản tiền cần phải chi cũng đỡ được một chút", chị Nguyễn Thanh Hoa (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) chia sẻ.

Như vậy, với số tiền hỗ trợ chuẩn bị được nhận, 2 vợ chồng nhẩm tính, 4 tháng tiền thuê nhà trọ sắp tới sẽ không cần phải lo đến.

Ngay trong ngày 1/10, ngày đầu tiên triển khai gói hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng cho 3.570 người lao động; đồng thời giảm đóng cho gần 138.000 đơn vị. Hiện các thủ tục đều khá nhanh gọn, chỉ trong 1 - 2 ngày người lao động đã có thể nhận được tiền. Dự kiến chỉ trong vòng 45 ngày, gói hỗ trợ lần này có thể triển khai xong. Tính thiết thực và độ phủ của gói hỗ trợ vì thế được đánh giá cao.

"Rút kinh nghiệm như gói 12.000 tỷ, nếu chúng ta đưa ra quá nhiều điều kiện ràng buộc thì những đối tượng đó không đáp ứng được điều kiện. Như vậy, chính sách không vào cuộc sống. Với gói này, tôi nhìn thấy điều kiện rất rõ ràng, chỉ cần người lao động có trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội. Chính sách đó trở thành điều kiện để chi trả trở lại tiền hỗ trợ từ gói này, không cần một thủ tục nào khác", GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh.

Tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Tiếp sức doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19

Về phía doanh nghiệp, việc miễn mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 12 tháng cũng tiếp sức cho họ trong giai đoạn then chốt này - giai đoạn: hoặc là hồi phục sản xuất thành công, hoặc tệ nhất là buộc phải phá sản.

Với 2.400 công nhân, bình quân 1 tháng Công ty TNHH HITACHI Vĩnh Phúc phải đóng khoảng 200 triệu đồng bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng 1%. Như vậy, nếu được miễn 12 tháng, doanh nghiệp sẽ được hưởng hơn 2 tỷ đồng.

"Trong hoàn cảnh hiện nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, các công ty đều chịu gánh nặng chi phí, chi phí duy trì sản xuất và chi phí phòng chống dịch làm doanh thu giảm sút. Vì vậy, số tiền Chính phủ hỗ trợ cũng là nguồn động viên đáng trân trọng với công ty", bà Đinh Thị Vân, Trưởng Phòng hành chính kế toán Công ty TNHH HITACHI Vĩnh Phúc, cho biết.

Từ đầu năm, các doanh nghiệp đã được giảm tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và hiện được miễn thêm 1 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

"Khoản tiền được hỗ trợ đó chúng tôi dự định sẽ củng cố vào các hoạt động phòng chống dịch của doanh nghiệp và nâng cao phúc lợi cho công nhân lao động trong công ty. Ví dụ mua khẩu trang, mua đồ phòng hộ và nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, chúng tôi dự định đưa ra những chính sách tốt hơn hỗ trợ cho người lao động với khoản chi phí đó", ông Min Hyung Won, Tổng quản lý bộ phận Hành chính Nhân sự và kế toán, Công ty TNHH Sản xuất ISCVINA, cho hay.

Qua rà soát dữ liệu, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài 13 triệu người lao động được hưởng, còn có hàng trăm nghìn đơn vị sử dụng lao động được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 1 năm.

Tiêm vaccine - Chìa khóa giữ "vùng xanh" trong khu công nghiệp

Với nhiều địa phương, một bài toán được đặt ra lúc này là làm sao để vừa ổn định tình hình sản xuất và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, không để đứt gãy chuỗi sản xuất của doanh nghiệp, các địa phương cũng đang cố gắng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động.

Với số lượng hơn 4.000 người lao động, để phòng chống dịch bệnh COVID-19, hàng ngày Công ty TNHH Partron Vina luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, nhưng sau hôm nay, doanh nghiệp sẽ phần nào yên tâm hơn vì toàn bộ công nhân nhà máy đều đã được tiêm vaccine.

"Việc tiêm chủng cho toàn bộ công nhân trong công ty rất là quan trọng. Chỉ cần 1 người nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh Từ lâu chúng tôi đã suy nghĩ như vậy và mong được tiêm chủng sớm", ông Mr Woo Dae Youb, Giám đốc khối hỗ trợ Công ty TNHH Partron Vina, cho biết.

"Trước tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn đến chính phủ Việt Nam vì đã tiêm vaccine miễn phí cho công nhân trong các khu công nghiệp. Việc tiêm vaccine góp phần lớn trong việc phòng chống dịch COVID và giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Min Hyung Won, Tổng quản lý bộ phận Hành chính Nhân sự và kế toán, Công ty TNHH Sản xuất ISCVINA, chia sẻ.

Chủ trương ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động được UBND tỉnh Vĩnh Phúc coi là chìa khóa để giữ "vùng xanh", duy trì sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp trong thời gian qua. Đối với các doanh nghiệp có số lượng trên 1.000 người lao động trở lên, việc tiêm chủng sẽ được tiến hành lưu động tại từng nhà máy để đảm bảo không bị gián đoạn việc sản xuất.

Các doanh nghiệp còn lại sẽ được tập trung tiêm vaccine tại nhà hát của tỉnh tại quảng trường trung tâm. Với diện tích lên đến hàng nghìn m2, tại đây có thể đảm bảo công suất 5.000 mũi tiêm/ngày.

"Nếu một công ty, tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 70 - 80 % trở lên, nghĩa là đạt được miễn dịch cộng đồng trong công ty. Khi không may xảy ra dịch, phát hiện trường hợp dương tính thì mức độ lây nhiễm hay nguy cơ diễn tiến nặng sẽ giảm đi", bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nhận định.

Cũng vì vậy, với những người lao động, họ cũng cảm thấy yên tâm hơn trước nỗi lo dịch bệnh.

"Khi được tiêm mình cảm thấy an tâm hơn, mình đã được phòng chống rồi nên an toàn, yên tâm đi làm", anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân, cho biết.

"Đi làm mình vẫn tiếp xúc với mọi người, không biết ai bị, ai không. Tiêm này là quá tốt rồi", chị Phạm Thị Trung, ở Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ.

Để bảo vệ và giữ vững vùng xanh trong sản xuất, dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai tiêm phủ vaccine cho 100% công nhân trong các khu công nghiệp và người dân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.