Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đem yêu thương sẻ chia khó nhọc

PV - 09:31, 26/06/2018

Trên bước đường đồng hành cùng bạn đọc, những người làm Báo Dân tộc và Phát triển đã có mặt ở hầu hết các bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất. Từ những bản làng biên viễn nơi núi rừng Tây Bắc hay những phum sóc sâu hun hút ở miền sông nước Cửu Long, đến những buôn làng gần như biệt lập giữa đại ngàn Tây Nguyên,… Ở đâu, người làm Báo Dân tộc và Phát triển cũng hòa nhập, trải nghiệm, thấu hiểu và sẻ chia.

Lãnh đạo Báo Dân tộc và Phát triển đến với bạn đọc trong trại phong Quy Hòa. Lãnh đạo Báo Dân tộc và Phát triển đến với bạn đọc trong trại phong Quy Hòa.

 

Ấm áp ở thung lũng  “ngủ quên”…

Chỉ cách trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định) vài cây số nhưng thung lũng Quy Hòa (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn) từng được xem như một “ốc đảo”. Đây được gọi là thung lũng “ngủ quên”, nơi cưu mang không biết bao mảnh đời bất hạnh bị mắc bệnh phong, một trong “tứ chứng nan y”, trong số đó có không ít đồng bào DTTS từ nhiều địa phương tụ hội về.

Được biết, làng phong Quy Hòa hiện có 257 gia đình, khoảng 1.000 nhân khẩu (trong đó có 430 bệnh nhân) thuộc 10 dân tộc cùng sinh sống. Mọi người ở đây sống gắn bó nghĩa tình, đem yêu thương san sẻ cho nhau để lấp đầy những khiếm khuyết cơ thể.

Để mưu sinh, ngoài số tiền hỗ trợ 400 nghìn đồng/người/tháng cho người khuyết tật, nhiều bệnh nhân phải làm đủ việc ở thung lũng Quy Hòa. Như vợ chồng anh A Nức và chị M Nơi, dân tộc Ba Na, trong làng ai thuê gì làm nấy, không ai thuê thì lên núi kiếm củi, đắp đổi, vá víu qua ngày. Cũng may, A Nức được giao thêm công việc tưới cây, nhổ cỏ cho vườn hoa của bệnh viện, tiền công mỗi tháng được 1 triệu đồng, vơi bớt phần khó khăn để anh chị nuôi hai con ăn học.

Thấu hiểu hoàn cảnh của những gia đình nghèo ở thung lũng “ngủ quên”, cận ngày Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017) đoàn công tác gồm lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Dân tộc và Phát triển đã đến làng phong Quy Hòa để thăm, tặng quà. Giữa cái oi nồng của tiết trời lúc mưa lúc nắng, tiếng vỗ tay giòn giã từ những đôi bàn tay không tròn trịa làm những thành viên trong đoàn bùi ngùi.

Sẻ chia với những khó khăn của những gia đình nghèo ở làng phong, đoàn công tác của Báo Dân tộc và Phát triển đã động viên và trao tặng 275 suất quà, mỗi suất trị giá 600 nghìn đồng. Sự sẻ chia của Báo dẫu không nhiều nhưng làm ấm áp thêm cuộc sống của người nghèo ở đây.

Trong chuyến thiện nguyện, đi dọc làng phong, chúng tôi bắt gặp niềm tin mới cho thung lũng “ngủ quên” từ những đứa trẻ với cơ thể lành lặn đang hồn nhiên vui đùa. Dù cha mẹ mắc bệnh nhưng các thế hệ con cháu sinh ra chưa có một ai bị lây bệnh. Trẻ em ở làng đều được đến trường, được Nhà nước miễn học phí,... Trong làng giờ đã có hàng chục cử nhân, thạc sĩ; không ít người đã làm công tác, gắn bó với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”.

Ông Lê Công Bình, Phó Phó Tổng Biên tập-Phụ trách Báo trao quà cho các cháu học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Ông Lê Công Bình, Phó Phó Tổng Biên tập-Phụ trách Báo trao quà cho các cháu học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

 

Lũ đi qua, tình người ở lại

Chuyến thăm, tặng quà cho những bệnh nhân phong ở thung lũng Quy Hòa là một trong rất nhiều lần thiện nguyện của Báo Dân tộc và Phát triển đến với bà con ở những vùng khó khăn. Dẫu đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo còn không ít khó khăn, nhiều lúc cũng chạnh lòng bởi chuyện “cơm áo gạo tiền” nhưng với quyết tâm đem yêu thương lấp đầy những khiếm khuyết, Báo đã đi và chia sẻ.

Còn nhớ trận lũ lịch sử xảy ra ở thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) đầu tháng 8/2017-một trận lũ ống được đánh giá là chưa từng có ở thị trấn vùng cao vốn đã quen với lũ ống, lũ quét này. Chỉ diễn ra trong vòng 20 phút nhưng trận lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; những người may mắn chạy được lũ, không kịp mang theo gì đã bật khóc khi quay về nhà cũ, giờ chỉ còn là bãi đá ngổn ngang.

Cùng với các tổ chức, cá nhân trên cả nước, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Dân tộc và Phát triển đã đóng góp mỗi người 01 ngày lương để hỗ trợ bà con vùng lũ Mù Cang Chải. Tiếp tục sẻ chia, Báo đã kêu gọi các mạnh thường quân “góp” yêu thương với người dân vùng lũ.

Những ngày đầu năm học 2017-2018, Đoàn công tác thiện nguyện của Báo và Bệnh viện Mắt Hà Nội đã vượt hơn 300 cây số đến với các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải. Đoàn đã trao 30 suất học bổng (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khám chữa bệnh miễn phí về mắt cho hơn 400 em học sinh DTTS; trao 100 suất thuốc trị giá hơn 30 triệu đồng cho các em học sinh và nhà trường;…

Rất nhiều chuyến thiện nguyện đã được Báo tổ chức, hoặc phối hợp tổ chức để cùng chung tay với xã hội giúp những cảnh đời bất hạnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn quá nhiều khó khăn. Sự chia sẻ chân tình đó, dẫu còn rất nhỏ nhưng đã, đang và sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển thực hiện để góp phần làm vơi đi những khó nhọc của đồng bào ruột thịt.

Những năm qua, hàng chục tấn gạo, muối, chăn màn, thuốc chữa bệnh, sách, vở,… đã được chuyển đến đồng bào vùng khó, vùng bị thiên tai bão lũ. Báo Dân tộc và Phát triển cũng đã hỗ trợ một số địa phương xây dựng phòng học, trang bị máy tính, đồ dùng học tập, trao học bổng cho học sinh DTTS vượt khó học giỏi tại các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Trị, Nghệ An, Vĩnh Long, Bình Định, Long An,..

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.