Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện

Trọng Bảo - 15:36, 27/08/2022

Sáng ngày 27/8, tại Tp. Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và xúc tiến đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và 5 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội.

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối Đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Đến năm 2045, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể các dự án có quy mô lớn, liên vùng gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Chương trình hành động thể hiện vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ với tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ; các tỉnh, thành phố trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội tập chung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách có tính đột phá. Phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng hợp tác quốc tế bảo đảm gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với củng cố an ninh quốc phòng.

Một số mục tiêu cụ thể trong chương trình hành động đó là, giai đoạn 2021 -2030 tổng sản phẩm (GRDP) của vùng đạt 8 - 9%/năm; đến năm 2030 quy mô kinh tế vùng đạt 2.100 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 190 nghìn tỷ; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm. Mỗi tỉnh phấn đấu có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ban ngành, các địa phương đã tham luận làm rõ những khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ: Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, bộ mặt nông thôn khu vực miền núi phía Bắc đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, về tổng thể vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn; trong đó khu vực Tây Bắc vẫn là “lõi” nghèo của cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về Đại đoàn kết các dân tộc. Khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cộng đồng, giữa các dân tộc. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Chính phủ; đặc biệt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống Nhân dân nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Đại biểu các bộ, ban, ngành và các địa phương tham dự Hội nghị
Đại biểu các bộ, ban, ngành và các địa phương tham dự Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; kết nối giao thương với các nước ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn, nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; đóng góp của vùng vào kết quả chung phát triển của cả nước vẫn còn hạn chế…

Thủ tướng nêu rõ: Nghị quyết đã ban hành, chương trình hành động của Chính phủ đã có, thời gian tới, các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các bộ, ngành, các địa phương phải quyết liệt vào cuộc thực hiện thành công Nghị quyết.

“Để những mục tiêu phát triển vùng trở thành hiện thực, chúng ta đã quyết tâm, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực phải cố gắng nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt hơn nữa, trọng tâm hơn nữa để thực sự đạt được kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho Nhân dân vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”, Thủ tướng đề nghị.

Đến năm 2030 vùng Trung du và miền núi Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện
Đến năm 2030 vùng Trung du và miền núi Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới, đó là: Tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là mất cảnh giác tạo thuận lợi phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; tinh thần quy hoạch là phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có… Quan tâm giải ngân đầu tư công có như vậy mới củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và Logistic, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giải hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều vùng Trung du và miền núi phía Bắc giảm 2 - 3%/năm
Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều vùng Trung du và miền núi phía Bắc giảm 2 - 3%/năm

Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh Nhân dân. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ…