Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đến với chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Chung

Thúy Hồng - 17:00, 13/08/2021

Đồn Biên phòng Ngọc Chung thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới thuộc địa bàn 3 xã: Khâm Thành, Lăng Hiếu, Phong Nặm của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Do địa bàn Đồn quản lý rộng, có đường biên dài nên từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát, là những ngày các chiến sĩ nơi đây phải "căng mình" để thực hiện tốt nhiệm vụ kép .

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Ngọc Chung bắt giữ các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Tổ công tác của Đồn Biên phòng Ngọc Chung bắt giữ các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 1, Đồn Biên phòng Ngọc Chung nằm trên một mỏm đồi cao, bốn bề đồi núi ngút ngàn. Trong lán nóng hầm hập, chỉ có 2 chiếc giường khung sắt, vài bộ quần áo, nồi cơm, ấm nước, bên ngoài là bếp quây bằng bạt cũ, là nơi ở và làm nhiệm vụ của 3 chiến sĩ hơn 1 năm qua.

Tổ trưởng chốt số 1- Tạ Văn Khánh được giao nhiệm vụ Chốt trưởng từ tháng 2/2020, khi mới lập chốt cho biết: Chốt có 3 anh em làm nhiệm vụ. Trước đây, lán làm bằng bạt dã chiến, nhưng chịu nhiều mưa nắng, mưa to nước dột vào trong nên phải che thêm lớp bạt nữa. Do dịch bệnh kéo dài, nên hiện nay, các chốt nhà bạt đã được thay bằng nhà ghép tôn, bán kiên cố, đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa bão.

Mặc dù lán chốt đã “khang trang” hơn nhưng vẫn chịu "lép vế" trước điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình. Chỉ cần nhìn chiếc lán tôn nằm trơ trọi trong nắng lửa, bên sườn núi chênh vênh, đi hàng km không có đến chục nóc nhà, cũng đủ để hiểu điều nơi đây gian khó thế nào.

Chốt trưởng Tạ Văn Khánh chia sẻ: “Chốt quản lý 2 mốc vụ với đoạn biên giới nối dài. Nơi đây địa hình phức tạp, hiểm trở, đi lại khó khăn nên cũng không xảy ra nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, chúng tôi luôn trực chốt 24/24 phòng tình huống xấu xảy ra”.

Thiếu tá Phạm Hồng Thái Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Chung cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Ngọc Chung đã thiết lập 7 chốt và 3 tổ công tác phòng chống Covid-19 tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 22,871km đường biên.

Đơn vị luôn xác định mục tiêu kép, vừa bảo vệ biên giới vừa phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống Covid-19. Đảng ủy cũng đã ra nghị quyết lãnh đạo đấu tranh ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống Covid-19. Theo đó, Đồn đã thành lập và duy trì 10 tổ chốt chặn, với 30 cán bộ chiến sĩ và 12 đồng chí lực lượng tăng cường tham gia trực 24/24 chốt chặn tại các đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu vực địa bàn Đồn phụ trách.

Các chiến sĩ luôn ngày đêm căng mình chốt chặn đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19.
Các chiến sĩ luôn ngày đêm căng mình chốt chặn đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19.

Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Đồn Biên phòng Ngọc Chung đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 22 vụ/180 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc. Quyết định xử phạt hành chính với số tiền 4 tỷ 525 triệu đồng.

Điển hình như vụ việc Đồn đã phối hợp với các cơ chức năng, bắt giữ 2 vụ/2 đối tượng có hành vi vận chuyển hàng cấm qua biên giới; 3 vụ/3 đối tượng lệnh truy nã nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua địa bàn Đồn quản lý, hoàn chỉnh hồ sơ giao cho công an tỉnh và các đơn vị tiếp tục điều tra, xử lý…

Mặc dù vị trí của chốt nằm ở nơi trọng yếu, lại cách Đồn Biên phòng, cách xa khu dân cư, nên việc phối hợp với các lực lượng dân quân, công an trong công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh gặp không ít trở ngại. Song những người lính biên phòng vẫn hằng ngày, vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giữ bình yên trên tuyến biên giới. 

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.