Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Đi chợ” cùng nông dân

PV - 10:06, 23/10/2018

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn manh mún, quy mô nhỏ; tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Đặc biệt ở các tỉnh miền núi, hầu hết người nông dân vẫn làm kinh tế tự phát, còn chính quyền địa phương thì loay hoay giải bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Nông dân ở nhiều địa phương vẫn đang phải loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì? Nông dân ở nhiều địa phương vẫn đang phải loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì?

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, để giúp đồng bào các DTTS thoát nghèo, các địa phương miền núi đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nhưng đến nay, đa số các cây trồng, vật nuôi được đưa vào thử nghiệm vẫn chưa thể đứng vững giúp bà con có thu nhập ổn định.

Có thể kể đến hàng loạt các thử nghiệm đã và đang thất bại trong chăn nuôi, trồng trọt thử nghiệm ở các địa bàn miền núi. Bắt đầu từ cây cà phê, rồi cây tiêu đến cây xoài, hồng, vải, nhãn, chuối… cứ thế khi cây này bén rễ, cây khác lại được đem về thử nghiệm. Không ít địa phương xảy ra tình trạng nhổ cây trồng trước để thử nghiệm cây sau.

Dẫn chứng đáng để nói đến nhất là dự án trồng cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời điểm năm 2006, khi cây cao su mới được đưa ra trồng thử nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các chuyên gia ngành Nông nghiệp đã liên tục cảnh báo về nguy cơ cao su không cho mủ.

Chính cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn-Người đã dành nhiều tâm huyết cho ngành Nông nghiệp từng thẳng thắn nói, khu vực này hoàn toàn không phù hợp để trồng cao su, bởi đây là khu vực chịu nền khí hậu cận nhiệt đới, mùa Đông lạnh và rất khắc nghiệt. Những cảnh báo, lo ngại trên đã trở thành hiện thực khi qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài năm 2010-2011, có 1.544ha cao su bị thiệt hại, chiếm 87,4% diện tích cao su toàn vùng Đông Bắc. Thậm chí nhiều nơi phải chặt bỏ.

Như vậy, sau khoảng 12 năm (từ năm 2006 đến nay), cây cao su vẫn chưa “bén rễ” ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong bối cảnh rủi ro chồng chất, hiệu quả kinh tế chưa được kiểm chứng, các tỉnh không có trong quy hoạch trồng cao su (gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ) cũng tự lập quy hoạch phát triển cây cao su với tổng diện tích giai đoạn 2009-2020 là hơn 47.000ha (Lào Cai 11.500ha, Yên Bái 12.200ha, Phú Thọ 13.400ha, Hà Giang 10.000ha).

Từ thất bại của nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã và đang được thử nghiệm ở các địa phương miền núi, có thể nói chính sự nóng vội đốt cháy giai đoạn, chưa nghiên cứu kỹ khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục, tập quán, chưa làm thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của từng vùng, miền là nguyên nhân sâu xa của cái vòng luẩn quẩn trồng cây gì, nuôi con gì.

Mới đây, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” (tổ chức ngày 14/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định, Chính phủ sẽ “đi chợ” cùng bà con nông dân. Giải pháp được Phó Thủ tướng đưa ra là Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư,…

Nhưng Chính phủ, trực tiếp ở đây là chính quyền các địa phương, sẽ “đi chợ” như thế nào cùng bà con nông dân khu vực miền núi? Nghiên cứu kỹ những thất bại từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở địa bàn miền núi thời gian qua, có thể nói việc lựa chọn hướng đi trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền vẫn là một khâu rất yếu.

Cũng cần thấy rằng, không phải Nhà nước cứ hỗ trợ tiền bạc, vật chất thì đời sống của đồng bào các DTTS mới phát triển. Quan trọng là công tác khuyến nông phải đồng hành với hỗ trợ kỹ thuật để họ tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả. Đây mới chính là cách thức “đi chợ” cùng nông dân hiệu quả bền vững nhất.

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.